Ấn Độ trước thách thức về dân số
Báo cáo về Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc cho thấy Ấn Độ đã nhanh hơn dự kiến trong cuộc chạy đua dân số và nhiều khả năng sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, trước 4 năm so với ước tính đưa ra năm 2019.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ có 1,668 tỷ dân vào năm 2050, vượt xa con số 1,317 tỷ dân của Trung Quốc vào giữa thế kỷ này. Hơn một nửa mức gia tăng dân số toàn cầu được dự kiến tới năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia và Ấn Độ nằm trong số đó.
Các hành khách tại nhà ga tàu điện ngầm Delhi. Ảnh: India Today |
Thực tế cho thấy Covid-19, các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu đang đe dọa các mục tiêu toàn cầu và tạo ra các cuộc khủng hoảng mới về lương thực, nhiên liệu và tài chính. Những cuộc khủng hoảng này rất có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do gánh nặng dân số. Các chuyên gia cảnh báo, thế giới đang lùi bước trong việc xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng.
Việc tăng trưởng dân số tiếp tục được duy trì là một trong những lợi thế của Ấn Độ khi có được nguồn nhân lực dồi dào trong dài hạn. Tuy nhiên, đó sẽ là áp lực vô cùng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục…
Đối với nhiều quốc gia, những thách thức do gia tăng dân số quá nhanh sẽ góp phần khiến họ dễ bị ảnh hưởng hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Vì vậy, việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đồng nghĩa New Delhi sẽ đối mặt áp lực gia tăng lớn nhất, tạo ra thêm những trở ngại đối với nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Theo các chuyên gia, để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ sẽ cần đầu tư vào việc phát triển hơn nữa nguồn nhân lực bằng cách bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đạt chất lượng ở mọi lứa tuổi, đồng thời thúc đẩy các cơ hội việc làm và đào tạo nguồn lao động có chất lượng.
Ý kiến ()