Ấn Độ: Tình trạng ô nhiễm ở New Delhi ở mức báo động
Không khí ở New Delhi (Ấn Độ) đang chứa bụi cao gấp 16 lần mức an toàn được chính phủ nước này đưa ra.
Trong nhiều ngày qua, người dân ở New Delhi đang phải sống giữa màn mây khói bụi. Tất cả đang nỗ lực để bảo vệ trẻ em và người già khỏi không khí bẩn. Tuy nhiên đây không phải là một điều dễ dàng: chỉ cần mở cửa sổ hay một cánh cửa ra vào thôi, khói bụi đã tràn vào nhà. Ngoài trời, người dân không thể nhìn thấy ánh nắng. Cả thành phố như chìm vào sương mù.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các khẩn cấp do ông Thủ hiến bang Delhi của Ấn Độ, ông Arvind Kejriwal triệu tập nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực thủ đô sau khi có thông báo cho thấy tầm nhìn xa trong thành phố hiện đã giảm xuống còn 200 mét.
Những năm gần đây, 20 triệu dân cư của New Delhi đều quen thuộc với tình trạng ô nhiễm của thành phố cũng như việc lúc nào thành phố cũng như đang chìm trong sương mùa đông. Tuy nhiên, trong tuần vừa rồi, tất cả đã trở thành một cuộc khủng hoảng.
Mức độ của các hạt bụi nguy hiểm trong không khí được gọi là PM 2.5 đã đạt tới 700 micro gam trên một mét khối không khí vào hôm qua (7/11). Thậm chí, hôm Chủ nhật, một số nơi đã đạt đến 1000 micro gam – cao gấp 16 lần chỉ số an toàn.
Chất lượng không khí ở khu vực thủ đô vẫn tiếp tục xấu đi nghiêm trọng. Các báo cáo cho biết những trường hợp mắc các chứng bệnh hô hấp ở Delhi đã tăng lên mức kỷ lục và lượng mặt nạ chống độc bán ra các cửa hàng trang thiết bị y tế cũng tăng đột ngột.
Tình trạng này khiến người ta liên tưởng đến một trường hợp tương tự: Năm 1952, một lượng sương mù lớn bao quanh thành phố London (Anh) đã khiến 12000 trẻ sơ sinh thiệt mạng. Đây là một trường hợp ô nhiễm từ việc đốt than – đã được giải quyết sau 4 ngày nhờ vào sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên, số trẻ sơ sinh thiệt mạng vẫn tiếp tục tăng lên trong vài tuần sau đó. Sự việc này đã gây xôn xao dư luận và thúc đẩy các quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Chính quyền Delhi đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm bớt mức ô nhiễm không khí, bao gồm việc đóng cửa 1800 trường công lập trong 3 ngày, tạm ngừng các hoạt động xây dựng và phá dỡ công trình trong vòng 5 ngày, cho xe phun nước rửa đường nhằm hạn chế bụi và nghiêm cấm đốt rác. Có khả năng chính quyền sẽ áp dụng trở lại kế hoạch lưu thông ô tô theo ngày chẵn-lẻ. Trong năm nay, New Delhi đã tiến hành 2 đợt thử nghiệm biện pháp này.
Nhà chức trách cũng thông báo sẽ tạm thời đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur, hủy bỏ các điểm tập kết đốt rác thải nông nghiệp và cấm sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel trong vòng 10 ngày. Chính quyền Delhi kêu gọi người dân nên ở trong nhà, tránh ra ngoài nếu không cần thiết.
Ngày 7/11, chính quyền thành phố cũng đã đưa ra một danh sách hướng dẫn y tế, tư vấn cho người dân cách rửa mắt bằng nước khi bị nhiễm bẩn hay đi đến bệnh viện nếu có các triệu chứng như “khó thở, choáng váng, đau ngực và thắt ngực”.
“Đây chỉ là các biện pháp khẩn cấp, họ (chính quyền) không giải quyết các vấn đề dài hạn” – Bhargav Krishna, Quản lý Quỹ Y tế công cộng của Trung tâm sức khỏa môi trường Ấn Độ cho biết – “Điều chúng ta có thể hy vọng bây giờ là một kế hoạch cho năm tới. Năm nay chỉ có thể tẩy rửa thành phố thôi”.
New Delhi được xem là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tử vong sớm ở Ấn Độ. Tại khu vực Delhi, ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn vào những tháng mùa Đông, do người nông dân đốt rơm rạ, góp phần gây khói mù và thải khí độc vào bầu không khí vốn đã ô nhiễm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Khí tượng học, tình trạng khói mù ở New Delhi trong năm nay là tồi tệ nhất trong vòng 17 năm trở lại đây.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()