Ấn Độ thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do với GCC
FTA giữa Ấn Độ và GCC mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, các lĩnh vực như hóa chất, dệt may, đá quý, đồ trang sức và da thuộc của Ấn Độ sẽ có động lực lớn nhờ thỏa thuận này.
Tờ The Economic Times cho biết, Ấn Độ có khả năng sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) về một thỏa thuận thương mại tự do vào tháng tới, không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các khu vực mà còn là một “đòn bẩy” cho tham vọng của New Delhi trong việc tăng cường đáng kể thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Một quan chức Ấn Độ trao đổi với hãng thông tấn PTI cho biết: “Các điều khoản tham chiếu cho thỏa thuận đang được hoàn thiện và chúng tôi dự kiến sẽ khởi động các cuộc đàm phán vào tháng tới.”
GCC là một liên minh gồm sáu quốc gia trong vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain.
Vào tháng 5/2022, Ấn Độ đã thực hiện một hiệp định thương mại tự do với UAE. Điều này diễn ra khi New Delhi và Vương quốc Anh đã bỏ lỡ thời hạn để kết thúc các cuộc đàm phán FTA song phường vào dịp Lễ Diwali.
Thủ tướng Anh và Ấn Độ đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán và nhất trí về sự cần thiết phải đạt được FTA này.
Các thay đổi chính trị ở Anh và những nhận xét gần đây của Ngoại trưởng Anh Suella Braverman về việc người Ấn Độ là nhóm người sống quá hạn lớn nhất ở Anh được coi là những trở ngại lớn trong việc ký kết FTA Anh-Ấn.
Các chuyên gia tin rằng, khu vực GCC có tiềm năng thương mại rất lớn và hiệp định thương mại giúp thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường đó.
Rakesh Mohan Joshi (Giám đốc Viện Quản lý trồng Rừng Ấn Độ) tại bang Bangalore cho biết: “GCC là một khu vực phụ thuộc nhập khẩu lớn. Chúng tôi có thể tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, quần áo và một số hàng hóa khác. Các nhượng bộ thuế theo một hiệp định thương mại sẽ giúp khai thác thị trường đó. Đó sẽ là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.”
Ấn Độ đặt mục tiêu tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030 và cũng nhắm đến việc nâng tỷ trọng xuất khẩu trong thương mại toàn cầu lên 3% vào năm 2027 và 10% vào năm 2047 từ mức 2,1% hiện tại, quảng bá hàng trăm thương hiệu Ấn Độ trên toàn cầu.
Thương mại song phương giữa Ấn Độ và GCC đã tăng lên 154,73 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, từ 87,4 tỷ USD một năm trước đó.
Xuất khẩu của Ấn Độ sang GCC tăng 58,26%, lên 44 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, so với mức tương ứng 27,8 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.
Tỷ trọng của sáu quốc gia GCC trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ tăng lên 10,4% trong năm 2021-2022, từ mức 9,51% trong năm 2020-2021.
Tương tự, nhập khẩu tăng 85,8% lên 110,73 tỷ USD, so với mức 59,6 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Tỷ trọng của các thành viên GCC trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng lên 18% vào năm 2021-2022, từ mức tương ứng 15,5% trong năm 2020-2021.
Ấn Độ chủ yếu mua dầu thô và khí đốt tự nhiên từ các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và Qatar, đồng thời xuất khẩu ngọc trai, đá quý và đá bán quý; kim loại; đồ trang sức giả; máy móc chạy bằng điện; sắt và thép; và hóa chất đến các nước này.
Sharad Kumar Saraf, nhà sáng lập của Techno-craft Industries India và Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết, GCC đã nổi lên như một đối tác thương mại lớn của Ấn Độ và có tiềm năng rất lớn để tăng cường đầu tư giữa hai bên.
FTA giữa Ấn Độ và GCC mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Phó Chủ tịch FIEO Khalid Khan cho biết, các lĩnh vực như hóa chất, dệt may, đá quý, đồ trang sức và da thuộc sẽ có động lực lớn nhờ thỏa thuận này.
Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong tài khóa vừa qua. Từ Qatar, Ấn Độ nhập khẩu 8,5 triệu tấn LNG/năm và xuất khẩu các sản phẩm từ ngũ cốc đến thịt, cá, hóa chất và nhựa.
Kuwait là đối tác thương mại lớn thứ 27 của Ấn Độ trong tài khóa vừa qua, trong khi UAE là đối tác thương mại lớn thứ ba trong giai đoạn 2021-22./.
Ý kiến ()