Ấn Độ thúc đẩy chính sách Âu - Á
Đối thoại an ninh về Afghanistan mới đây tại New Delhi giữa các nhà hoạch định chính sách an ninh hàng đầu của Ấn Độ, Nga, Iran và 5 nước Trung Á do Ấn Độ chủ trì được coi là một phần của chiến lược Âu-Á mà nước này theo đuổi…
Việc Ấn Độ thúc đẩy chính sách Âu-Á không có gì ngạc nhiên trước các bước đi gần đây của quốc gia này trong lĩnh vực đối ngoại.
Có thể nói rằng, chiến lược của New Delhi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tạo được sức hút chính trị nhờ chính sách ngoại giao chuyên sâu của nước này.
Điều đó giúp Ấn Độ có được chỗ đứng vững chắc trong nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm: Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản vốn đang thúc đẩy mạnh mẽ các hành động ở khu vực.
Nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan cho biết: “Nếu khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đề cập đến lĩnh vực địa chính trị hàng hải mới của New Delhi, thì Âu-Á liên quan đến việc điều chỉnh lại chiến lược của Ấn Độ ở lục địa.
Chính vì thế, giới chuyên gia dự báo, thời gian tới đây, Ấn Độ cũng dành nhiều thời gian và công sức tương tự để phát triển chính sách Âu-Á như đã từng làm với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Việc đứng ra chủ trì Đối thoại an ninh về Afghanistan mới đây của Ấn Độ là bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu về chiến lược Âu-Á của nước này, mà không đơn thuần là bàn về cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Afghanistan.
Đại biểu các nước tham gia Đối thoại an ninh về Afghanistan ở New Delhi ngày 10-11. Ảnh: Getty |
Trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực cùng những thách thức an ninh nổi lên, Ấn Độ cũng đặt ra các mục tiêu lớn của mình khi thúc đẩy chiến lược Âu-Á; trong đó bao gồm việc đưa châu Âu trở lại những toan tính của Ấn Độ.
Chính sách Âu-Á của Ấn Độ nhất thiết phải bao gồm việc thúc đẩy can dự nhiều hơn với cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ấn Độ cũng muốn thông qua chiến lược Âu-Á để thúc đẩy đối thoại về an ninh Âu-Á với Nga. Mặc dù Ấn Độ và Nga vẫn tồn tại những mâu thuẫn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, QUAD, vấn đề Trung Quốc và Taliban, nhưng cả hai có những lợi ích an ninh chung ở Afghanistan cũng như nhiều lý do chính đáng khác để thu hẹp những bất đồng trong vấn đề Afghanistan, để tiến tới mở rộng hợp tác về an ninh ở lục địa Âu-Á.
Và một lý do quan trọng nữa để Ấn Độ thúc đẩy chiến lược Âu-Á cùng với sự tham gia của Iran, đó là quan hệ đối tác của Ấn Độ với Iran cũng như khu vực vùng vịnh Ba Tư và Arab đóng vai trò quan trọng làm đối trọng với quan hệ đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ với Pakistan-quốc gia láng giềng thù địch của New Delhi.
Điều này một phần giải thích vì sao Cố vấn an ninh quốc gia của Pakistan đã khước từ lời mời tham gia Đối thoại an ninh về Afghanistan của Ấn Độ.
Sự bất đồng giữa Ấn Độ với Pakistan trong vấn đề Afghanistan và một loạt vấn đề khác, đang cản trở Ấn Độ thúc đẩy và định hình một chiến lược Âu-Á. Việc Taliban lên cầm quyền ở Afghanistan là điều Ấn Độ không hề mong muốn bởi Taliban được cho là nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Pakistan.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn cũng đang duy trì tiếp xúc với chính phủ mới ở Kabul, cũng không nhận lời tham dự đối thoại ở New Delhi. Việc Trung Quốc tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Afghanistan và tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề của khu vực cận Himalaya cũng là một vấn đề đối với Ấn Độ.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực và quyết đoán chiến lược ngày càng tăng của nước này nhằm mở rộng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị cũng là điều khiến Ấn Độ không thể ngồi yên.
Có thể khẳng định một lần nữa, Ấn Độ đã đạt được những thành công trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và biến nó trở thành một phần không thể thiếu trong các chính sách an ninh và đối ngoại của nước này.
Với chính sách Âu-Á, Ấn Độ cũng kỳ vọng sẽ đạt được những bước tiến tương tự nhằm phục vụ cho những tham vọng và toan tính chiến lược của nước này ở khu vực. New Delhi được cho là có nhiều sáng kiến đơn phương, song phương, tiểu đa phương và đa phương quan trọng khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nên việc định hình và thúc đẩy thêm một chính sách đối ngoại mới như Âu-Á của Ấn Độ cũng là điều không thể khác.
TheoQuandoinhandan
Ý kiến ()