Ấn Độ sẽ ra mắt đồng tiền số quốc gia
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ ra mắt một phiên bản kỹ thuật số cho đồng nội tệ rupee từ tháng 4 tới, với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số của nước này.
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, nêu ra trong bài phát biểu trình bày dự thảo ngân sách liên bang hằng năm trước Quốc hội Ấn Độ mới đây.
Theo bà Nirmala Sitharaman, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ ra mắt phiên bản kỹ thuật số của đồng nội tệ rupee trong năm tài chính 2022-2023, được tính bắt đầu từ tháng 4 tới. “Việc giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương sẽ tạo ra một lực đẩy lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số. Nó cũng sẽ giúp tạo ra một hệ thống quản lý tiền tệ hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn”, bà Nirmala Sitharaman nói. Nữ Bộ trưởng Tài chính này cũng đề xuất giới thiệu đồng rupee số được phát triển dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ khác trong năm tài chính sắp tới.
Ấn Độ sẽ giới thiệu đồng tiền số quốc gia trong vòng một năm tới. Ảnh: REUTERS |
Tiền điện tử từng bị các cơ quan chức năng Ấn Độ giám sát chặt chẽ kể từ khi chúng thâm nhập vào thị trường nội địa gần một thập kỷ trước. Sự gia tăng đột biến trong các giao dịch gian lận đã buộc Chính phủ Ấn Độ cấm sử dụng loại tiền này vào năm 2018. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm này được Tòa án tối cao Ấn Độ dỡ bỏ hai năm sau đó, thị trường tiền mã hóa đã tăng vọt, lên tới gần 650%. Tháng 11-2021, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành luật cấm các loại tiền điện tử tư nhân trước khi quay trở lại ý tưởng này.
Tuy nhiên, trong khi đề xuất phát triển đồng tiền số quốc gia, Ấn Độ lại tìm cách siết chặt hoạt động giao dịch các đồng tiền mã hóa như bitcoin. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nirmala Sitharaman cũng đề xuất áp thuế lên đến 30% nhằm vào các loại tiền mã hóa và tài sản số khác trong thời gian tới. Theo bà Sitharaman, “hoạt động giao dịch tài sản kỹ số đang gia tăng mạnh ở Ấn Độ. Mức độ và tần suất của các giao dịch này khiến việc đưa ra một chế độ thuế cụ thể là điều cấp thiết”.
Ý kiến ()