Ấn Độ: Ô nhiễm ở thủ đô New Delhi đạt mức kỷ lục
Thành phố New Delhi bị bao phủ bởi khói mù độc hại |
Cứ vào mùa đông, thành phố với 20 triệu dân này lại bị bao phủ bởi khói mù độc hại do khói xe, khí thải công nghiệp và khói bốc lên từ việc đốt nương rẫy ở các bang lân cận.
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR) cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 đo được trong sáng 3/11 tại New Delhi là 810 microgram/m3, tức là mức “nguy hiểm cho sức khỏe”. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số an toàn đối với sức khỏe là tối đa 25 microgram/m3.
“Ô nhiễm đã đạt tới mức không thể chịu nổi”, Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal viết trên trang cá nhân của mình hôm 3/11.
Tầm nhìn kém khiến các hãng hàng không lớn như Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về chứng đau mắt và viêm họng nên họ đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình. Nhiều trường học tại thủ đô đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 5/11 và hoạt động xây dựng phải dừng từ ngày 4/11. Một số vận động viên cricket và các huấn luyện viên đã phải đeo khẩu trang tập luyện trước thềm trận đấu với Bangladesh trong giải Quốc tế Twenty20 tối 3/11.
“Thật đáng sợ, chúng tôi không thể nhìn thấy gì trước mắt mình”, một người dân nói với phóng viên AFP tại cuộc biểu tình hôm 3/11 ở Delhi kêu gọi các chính trị gia hành động hơn nữa để hạn chế ô nhiễm.
Một y tá tham gia biểu tình cho biết có nhiều bệnh nhân nhập viện vì gặp các vấn đề về hô hấp và phổi, ví dụ như bệnh hen suyễn.
Tình trạng này đã gây ra chuyện tranh cãi, đổ lỗi cho nhau giữa nhiều bang ở Ấn Độ. Tuần trước, Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal đã kêu gọi các chính quyền lân cận Punjab và Haryana phải hành động.
“Delhi đã biết thành cái lò do khói từ việc đốt rẫy tại những bang lân cận” – Thống đốc Kejriwal cho biết. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Prakash Javadekar cáo buộc lãnh đạo Delhi “chính trị hóa” vấn đề ô nhiễm và khiến cho các bang nói trên “mang tiếng xấu”.
Năm ngoái, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ, trong khi theo một nghiên cứu của Mỹ thì tình trạng ô nhiễm này khiến một triệu người chết sớm mỗi năm.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()