Ấn Độ muốn biến vùng Đông Bắc thành cửa ngõ của chính sách Hành động hướng Đông
Chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ tập trung vào khu vực lân cận mở rộng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là cốt lõi.
Ngày 27/6, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực biến vùng Đông Bắc thành cửa ngõ chiến lược của chính sách "Hành động hướng Đông” và đã tăng phân bổ ngân sách gấp hơn 4 lần trong 10 năm qua, để phát triển khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp chung của cả hai viện Quốc hội sau khi Lok Sabha (Hạ Viện) khóa 18 được bầu, Tổng thống Murmu nói rằng lần đầu tiên, công việc xây dựng đường thủy nội địa đã bắt đầu với quy mô lớn ở phía Đông Bắc và điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khu vực.
Chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ tập trung vào khu vực lân cận mở rộng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là cốt lõi.
Mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy hợp tác kinh tế, quan hệ văn hóa và phát triển mối quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua sự tham gia liên tục ở cấp độ song phương, khu vực và đa phương, từ đó nâng cao khả năng kết nối theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và nhân dân.
Tổng thống Murmu cho biết khả năng kết nối dưới mọi hình thức đang được mở rộng ở vùng Đông Bắc và các công trình phát triển đang được thực hiện trên mọi lĩnh vực bao gồm giáo dục, y tế, du lịch và việc làm.
Theo nhà lãnh đạo này, Ấn Độ cũng đã chi hơn 3,2 tỷ USD để xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất bán dẫn ở bang Assam, đồng thời sẽ tăng cường đầu phát triển vùng Đông Bắc trở thành trung tâm sản xuất chip "Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ).
Đề cập đến những xáo trộn trước đây trong khu vực, Tổng thống Murmu cho biết chính quyền trung ương đang liên tục nỗ lực vì hòa bình lâu dài ở vùng Đông Bắc và trong 10 năm qua, nhiều tranh chấp cũ đã được giải quyết và nhiều thỏa thuận quan trọng đã đạt được./.
Ý kiến ()