Ấn Độ mất liên lạc với tàu thăm dò Mặt trăng
Các nhà khoa học và các bộ phận tháo rời của tàu vũ trụ Chandrayaan-2 bên trong một phòng thí nghiệm của ISRO tại Bengaluru, Ấn Độ, tháng 6-2019.
Theo kế hoạch, thiết bị Vikram sẽ đổ bộ xuống bề mặt của Mặt trăng vào khoảng 1 giờ 55 phút sáng 7-9 (giờ tiêu chuẩn của Ấn Độ). Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi kế hoạch này diễn ra, trạm kiểm soát ở Trái đất không thể nhận được dữ liệu được truyền từ thiết bị Pragyan của tàu đổ bộ Vikram.
Ông Sivan đã lập tức gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã có mặt tại trụ sở ISRO để theo dõi quá trình đổ bộ, để báo cáo về việc trạm kiểm soát ở Trái đất mất liên lạc với tàu đổ bộ Vikram. Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, ông Modi gửi lời động viên các nhà khoa học, đồng thời bày tỏ Ấn Độ tự hào vì các nhà khoa học của đất nước và nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình khám phá không gian.
Tháng trước, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ đã rời quỹ đạo Trái đất, sau 23 ngày được phóng từ bang Andha Pradesh. Dự kiến, 13 ngày sau khi đi vào quỹ đạo Mặt trăng, ngày 7-9, tàu đổ bộ Vikram mang theo thiết bị Pragyan sẽ tách khỏi Chandrayaan-2 để hạ cánh xuống khu vực cách cực nam của Mặt trăng khoảng 100 km. Theo ISRO, đây là điểm xa nhất của Mặt trăng chưa có tàu nào tiếp cận được.
Chương trình phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 được kỳ vọng có thể giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư sau Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công việc hạ cánh xuống Mặt trăng. Ấn Độ đã đặt mục tiêu lập bản đồ bề mặt và nghiên cứu bầu khí quyển Mặt trăng cũng như các nghiên cứu khác về bề mặt và dưới mặt đất của Mặt trăng trong lần phóng lần này. ISRO cho biết, thông qua việc phóng tàu Chandrayaan-2, Ấn Độ muốn phát triển và trình diễn công nghệ một cách toàn diện từ đầu đến cuối trong nhiệm vụ Mặt trăng, bao gồm cả việc hạ cánh mềm và di chuyển trên bề mặt Mặt trăng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()