Ấn Độ hỗ trợ nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao tại Việt Nam
Chiều 29/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Bùi Văn Gavà ngài Ranjit Rae, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về việc hỗ trợ nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao (HPC) tại Việt Nam.
Theo Bản ghi nhớ, Chính phủ Ấn Độ sẽ thiết lập một hệ thống thiết bị siêu máy tính PARAM hiện đại và tiên tiến, cung cấp hai phòng thí nghiệm: Phòng thí nghiệm Tính toán lưới (TTL) và Phòng thí nghiệm Hiển thị, tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hệ thống thiết bị bao gồm mạng hệ thống, thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ sơ cấp và thứ cấp, hệ điều hành, phần mềm, thư viện và các công cụ phát triển. Phía Ấn Độ cũng sẽ tiến hành các chương trình đào tạo cho phía Việt Nam nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên môn có kĩ năng , theo đuổi nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực tính toán hiệu năng cao và xúc tiến việc sử dụng các hệ thống hiệu năng cao trong các ứng dụng khác.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu máy tính và các hệ thống có liên quan khác cũng sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích đa dạng như: đào tạo, nghiên cứu khoa học; và các ứng dụng như: mô hình hóa và mô phỏng tính toán, dự báo thời tiết, quản lí thảm họa và sinh tin học.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hàng năm, Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng dài hạn và ngắn hạn, để đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở các ngành, nghề mà Ấn Độ có thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. (…) Với việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ hôm nay, Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao”.
Đại sứ Ranjit Rae cũng một lần nữa khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam – Ấn Độ và ý nghĩa của việc thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao tại Việt Nam trong năm nay – “Năm hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ”. Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ cùng làm việc để xúc tiến quá trình thành lập hệ thống siêu máy tính và những cơ sở vật chất có liên quan.
Dự kiến, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao được Chính phủ Ấn Độ thực hiện lần này sẽ đóng vai trò như tài nguyên công nghệ cơ bản cho sự phát triển kinh tế, quản lý môi trường, nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Tổng chi phí dự án trị giá khoảng 1 triệu USD sẽ do Chính phủ Ấn Độ tài trợ. Trung tâm Nghiên cứu P hát triển công nghệ tính toán tiên tiến (C-DAC), trực thuộc Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Ấn Độ sẽ thực thi dự án theo phương thức “chìa khóa trao tay”.
Từ nhiều năm trở lại đây, Ấn Độ đã tiến hành hỗ trợ một số dự án trong lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tại Việt Nam với mục đích giúp nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực. Năm 2011, C-DAC đã thành lập Trung tâm nguồn lực chất lượng cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam-Ấn Độ với tổng số vốn đầu tư trị giá 2 tỷ USD. Một số công ty tư nhân đào tạo công nghệ thông tin của Ấn Độ như NIIT và APTECH cũng đang thiết lập mạng lưới rộng lớn các trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại một số thành phố của Việt Nam.
Ý kiến ()