Ấn Độ đánh giá cao hành lang kinh tế với Trung Đông và châu Âu
Ngày 25-9, The Times of India dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC) sẽ trở thành nền tảng của thương mại thế giới trong hàng trăm năm tới.
Phát biểu trên chương trình phát thanh hằng tháng Mann Ki Baat, Thủ tướng Narendra Modi cho biết, Ấn Độ đã đề xuất về mô hình Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thủ đô New Delhi hồi đầu tháng này. Ông so sánh IMEC với “con đường tơ lụa”, một mạng lưới tuyến đường thương mại cổ xưa được Ấn Độ sử dụng khi nước này còn là một cường quốc thương mại thịnh vượng và lớn mạnh.
Cảng Jebel Ali ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). UAE sẽ là một phần của hành lang vận tải kéo dài từ Ấn Độ đến châu Âu. |
Trước đó, ngày 9-9, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ cùng một liên minh gồm một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra hàng lang kinh tế nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ thương mại với những tác động địa chính trị trên phạm vi rộng. Dự án sẽ bao gồm hai hành lang vận tải riêng biệt. Một hành lang nối Ấn Độ bằng đường biển với vịnh Ba Tư ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và hành lang còn lại nối vịnh Ba Tư từ UAE bằng đường bộ qua Saudi Arabia, Jordan và Israel, sau đó bằng đường biển tới Hy Lạp.
Theo một tài liệu của Ủy ban châu Âu (EC), dự án trên sẽ kết nối các tuyến đường sắt và cảng biển, đồng thời tạo ra mạng lưới cáp điện, cáp truyền dữ liệu tốc độ cao, đường ống dẫn khí hydro. Do vậy, dự án này còn được EC gọi là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên qua các lục địa và nền văn minh”. Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố, IMEC sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn thế giới.
Dự án trên có khả năng tăng tốc trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu lên tới 40%. Các bên ký kết hy vọng kế hoạch này sẽ giúp hội nhập thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ với các quốc gia phía Tây, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng đánh giá đây là thỏa thuận lớn mang tính lịch sử nhằm kết nối các cảng tại châu Âu và Nam Á, đồng thời góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra nhiều “cơ hội không giới hạn” trong phát triển nguồn điện, truyền tải dữ liệu và năng lượng sạch.
Tuy nhiên, điều quan trọng là hành lang này sẽ biến Ấn Độ trở thành trung tâm của luồng giao thương từ Đông Nam Á đến Trung Đông và châu Âu, vốn là một cơ hội lớn để Ấn Độ và Trung Đông tăng tốc phát triển kinh tế, đồng thời để châu Âu đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng ngoài Trung Quốc.
Pramit Pal Chaudhuri, Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á thuộc Tập đoàn Eurasia cho biết, nếu ngày nay, việc vận chuyển một container hàng từ thành phố Mumbai (Ấn Độ) tới châu Âu phải qua kênh đào Suez thì trong tương lai có thể vận chuyển bằng đường sắt từ Dubai (UAE) đến thành phố Haifa (Israel) và tới châu Âu, giúp tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc. Hiện kênh đào Suez là “nút thắt cổ chai” lớn đối với thương mại thế giới, giúp trung chuyển khoảng 10% khối lượng hàng hóa vận tải hàng hải toàn cầu nhưng lại thường xuyên bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, hành lang kinh tế mới này cũng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng để cho phép sản xuất và vận chuyển hydro xanh. Kế hoạch này cũng sẽ tăng cường viễn thông và truyền dữ liệu thông qua tuyến cáp ngầm mới kết nối khu vực. Các quốc gia Trung Đông cũng có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Một con đường thương mại không chỉ mang ý nghĩa là nơi gặp gỡ buôn bán. Nó cũng phản ánh sự cạnh tranh địa chiến lược. Theo trang DW, mục tiêu địa chính trị của các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu khi công bố kế hoạch IMEC là nhằm cạnh tranh với các sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, qua đó hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh và nâng cao vai trò của Washington ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo việc xây dựng IMEC sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng mới. Tổng giám đốc hãng phân tích Infoline Analytics, ông Mikhail Burmistrov nói với tờ Vedomosti của Nga: “Ngay cả khi không tính đến các rủi ro địa chính trị, cơ sở hạ tầng của IMEC sẽ mất nhiều năm để xây dựng; riêng công việc thiết kế cũng mất ít nhất hai năm”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()