Ấn Độ công bố gói tài chính gần 10 tỷ USD thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết gói tài chính này sẽ được dành cho lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman ngày 14/9 đã công bố gói tài chính 700 tỷ rupee (gần 10 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong sáu năm qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Sitharaman cho biết gói tài chính trên sẽ được dành cho lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản .
Một quỹ trị giá 200 tỷ rupee sẽ được thành lập với việc chính phủ đóng góp 50% để cung cấp vốn cho các dự án nhà ở nếu không bị gắn nợ xấu hoặc đang bị tòa án xem xét việc phá sản.
Quy định này cùng với quy định trước đó cho phép các công ty tài chính bất động sản được vay vốn nước ngoài với các quy định nới lỏng hơn và lãi suất cho vay trong lĩnh vực xây dựng thấp hơn sẽ tạo thuận lợi cho các công chức chính phủ, những người chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu nhà ở.
Bà Sithiraman hy vọng quỹ này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 350.000 người mua nhà.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu một chương trình hoàn thuế mới gọi là “Hủy bỏ nghĩa vụ thuế đối với hàng xuất khẩu” (RoDTEP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, chương trình RoDTEP trị giá khoảng 500 tỷ rupee sẽ khuyến khích các nhà xuất khẩu nhiều hơn tất cả các chương trình hiện nay cộng lại.
Các chương trình hoàn thuế hiện nay của Ấn Độ trị giá khoảng 400-450 tỷ rupee.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng cung cấp một gói tài chính thường niên trị giá 17 tỷ rupee để Công ty bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (ECGC) cung cấp bảo hiểm cao hơn cho các ngân hàng cho vay vốn lưu động phục vụ xuất khẩu.
Theo bà Sitharaman, điều này sẽ cho phép giảm chi phí tổng thể của tín dụng xuất khẩu , bao gồm cả lãi suất, đặc biệt là đối với các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Các biện pháp khác hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu bao gồm hoàn trả tín dụng thuế đầu vào hoàn toàn bằng điện tử, kế hoạch hành động để giảm thời gian xuất khẩu và một chương trình làm việc với các nhà xuất khẩu để sử dụng thuế suất ưu đãi trong mỗi hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Ấn Độ ký với các quốc gia khác nhau.
Đây là biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lần thứ ba của chính phủ Ấn Độ kể từ sau cuộc bầu cử Hạ viện.
Các chính sách trước đây bao gồm hỗ trợ cho lĩnh vực ôtô, giảm thuế lãi vốn và hỗ trợ thanh khoản bổ sung cho các ngân hàng.
Bà Sitharaman cho biết các biện pháp này cùng với các biện pháp được công bố trong hai lần trước đó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng sẽ được cải thiện trong quý 2 của tài khóa 2019-2020 (tài khóa Ấn Độ bắt đầu từ 1/4).
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã giảm trong quý thứ năm liên tiếp, xuống còn 5% trong quý từ tháng 4-6/2019, mức thấp nhất trong sáu năm qua./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()