"Âm vang dòng sông" từ trong lòng đất
Các phương tiện lưu thông qua hầm Thủ Thiêm. Thế là sau gần bảy năm chờ đợi, hôm qua (20-11), hầm Thủ Thiêm đã chính thức thông xe. Bắt đầu từ ngày 21-11, các loại phương tiện thông thường như: mô-tô, ô-tô con, ô-tô khách, xe tải hạng nhẹ và nặng được phép lưu thông qua đường hầm theo giờ như quy định.Từ đây, người dân TP Hồ Chí Minh lưu thông từ trung tâm thành phố sang bên kia Thủ Thiêm qua đường hầm ngay dưới lòng sông Sài Gòn, được lắng nghe "âm vang dòng sông" từ trong lòng đất, thỏa sức ngắm nhìn toàn bộ công trình Đại lộ Đông - Tây rộng thênh thang.Một công trình tầm cỡ khu vựcĐược đi trong đường hầm Thủ Thiêm mới thấy, đây quả thật là một công trình tầm cỡ khu vực. Hầm được thiết kế theo dạng hộp đôi dành cho hai chiều xe lưu thông từ quận 1 sang phía Thủ Thiêm và ngược lại, mỗi đường hầm rộng 11,5 m với ba làn xe. Bên cạnh đó, còn có đường kiểm tra rộng 0,75 m và khoang thoát hiểm rộng 2m. Với chiều cao 4,7m, lại...
|
Thế là sau gần bảy năm chờ đợi, hôm qua (20-11), hầm Thủ Thiêm đã chính thức thông xe. Bắt đầu từ ngày 21-11, các loại phương tiện thông thường như: mô-tô, ô-tô con, ô-tô khách, xe tải hạng nhẹ và nặng được phép lưu thông qua đường hầm theo giờ như quy định.
Từ đây, người dân TP Hồ Chí Minh lưu thông từ trung tâm thành phố sang bên kia Thủ Thiêm qua đường hầm ngay dưới lòng sông Sài Gòn, được lắng nghe “âm vang dòng sông” từ trong lòng đất, thỏa sức ngắm nhìn toàn bộ công trình Đại lộ Đông – Tây rộng thênh thang.
Một công trình tầm cỡ khu vực
Được đi trong đường hầm Thủ Thiêm mới thấy, đây quả thật là một công trình tầm cỡ khu vực. Hầm được thiết kế theo dạng hộp đôi dành cho hai chiều xe lưu thông từ quận 1 sang phía Thủ Thiêm và ngược lại, mỗi đường hầm rộng 11,5 m với ba làn xe. Bên cạnh đó, còn có đường kiểm tra rộng 0,75 m và khoang thoát hiểm rộng 2m. Với chiều cao 4,7m, lại được lắp đặt các hệ thống hiện đại như: cung cấp điện, chiếu sáng, thông gió, điều khiển và giám sát, thoát nước, các thiết bị an toàn và phòng cháy, chữa cháy, bên trong hầm trông rất hiện đại và đẹp mắt. Toàn bộ tuyến hầm từ cửa hầm phía đường Can-mét đến cửa hầm phía bên kia Thủ Thiêm dài 1.490 m được hình thành từ ba hạng mục: hầm dẫn phía quận 1 dài 584,2 m, hầm dẫn phía Thủ Thiêm dài 535 m và bốn đốt hầm dìm ở giữa dài 370,8m.
Xuyên qua lòng sông Sài Gòn tại khu vực gần cầu Khánh Hội, hầm Thủ Thiêm là công trình được xây dựng bằng công nghệ hầm dìm, lần đầu được ứng dụng tại Việt Nam. Chính vì thế đây là một công trình đầy thử thách đối với những người thợ cầu. Thử thách đầu tiên là đơn vị thi công phải đúc thành công bốn đốt hầm khổng lồ, mỗi đốt nặng 27 nghìn tấn, dài 92,5 m, rộng 33 m, cao 9 m, vách tường dày tới 1 m. Sau khi khảo sát, các chuyên gia xây dựng đã cho đào một bể đúc sâu 9,4 m rộng 60 nghìn m2 tại một địa điểm bên bờ sông Nhà Bè (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cách TP Hồ Chí Minh hơn 20 km) làm công trường thi công bốn đốt hầm. Hơn ba năm trước, tháng 5-2008, công việc đúc bốn đốt hầm được hoàn tất. Nhưng một sự cố đã xảy ra khi các chuyên gia phát hiện có một số vết nứt trên mặt ngoài của các đốt hầm. Rất may, công tác sửa chữa các vết nứt, đổ lớp bê-tông gia cường, lớp chống thấm và lớp bê-tông bảo vệ diễn ra suốt trong hai tháng rưỡi. Những vết nứt đã được khắc phục và được hội đồng nghiệm thu nhà nước công nhận. Đầu tháng 1-2010, công tác bơm nước vào bể đúc để kiểm tra, cân chỉnh các đốt hầm được tiến hành. Cả bốn đốt hầm đều bảo đảm chất lượng. Tại khu vực quận 1 và khu vực Thủ Thiêm, các đơn vị thi công cũng đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hai hầm dẫn ở hai đầu với chất lượng cao.
Thử thách thứ hai là phải lai dắt an toàn bốn “tòa nhà bê-tông” từ bể đúc Nhơn Trạch đến địa điểm xây hầm suốt chặng đường dài 22 km trên sông Sài Gòn.
Với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, chiến sĩ từ 25 cơ quan, đơn vị, từ tháng 3 đến tháng 6-2010, lần lượt bốn đốt hầm được lai dắt an toàn về khu vực Thủ Thiêm, trong điều kiện thủy văn, khí tượng, luồng sông phức tạp. Thử thách khắc nghiệt nhất là công đoạn lắp đặt các đốt hầm vào hai phía hầm dẫn và kết nối với nhau chuẩn xác.
Dưới độ sâu từ 23 m đến 27 m lại phải thi công khi dòng nước vẫn chảy xiết, mỗi lần lắp đặt một đốt hầm, những người tham gia thi công phải thực hiện đến 21 bước trong vòng từ 15 giờ đến 20 giờ với sai số cho phép không quá 10 mm. Ngày 21-9-2010, tin vui đến với người dân thành phố: công đoạn hợp long bốn đốt hầm với hầm dẫn phía bờ quận 1 đã hoàn thành tốt đẹp, kết nối thông thương hai bờ sông Sài Gòn.
Hầm Thủ Thiêm là mắt xích quan trọng nối hai công trình: “Đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh” và “đường mới Thủ Thiêm” lại với nhau để tạo thành công trình hoàn thiện “Đại lộ Đông – Tây”. Hai công trình này tuy chỉ áp dụng công nghệ xây dựng giao thông tiên tiến thông thường nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc phải giải tỏa nhà ở, trụ sở làm việc của gần 6.800 hộ dân và 370 cơ quan, đơn vị và phải xử lý rất nhiều công trình ngầm phía dưới. Do phải đi qua địa hình có nhiều sông, kênh, rạch, việc xây dựng Đại lộ Đông – Tây đồng nghĩa với việc xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng gần 20 chiếc cầu, cầu bộ hành, cầu vượt lớn nhỏ, phần lớn nằm sát khu dân cư đông đúc nên rất khó triển khai mặt bằng thi công. Một khó khăn khác làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình là Ban quản lý dự án phải liên tục đề nghị bổ sung nguồn vốn do phải điều chỉnh nhiều lần thiết kế dự án cho phù hợp nhu cầu mới về việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và đường nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, mà điển hình là nút giao thông Cát Lái.
Đồng chí Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Việc hoàn thành công trình Đại lộ Đông – Tây thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố; ý chí và tinh thần vượt khó của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam; chuyên gia Nhật Bản và sự ủng hộ của người dân thành phố. Vì thế, chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ công trình, nhất là đường hầm Thủ Thiêm, không để xảy ra tai nạn, cháy nổ, nhằm kéo dài tuổi thọ công trình”.
Điểm nhấn của quy hoạch giao thông “thành phố mở”
Với chiều dài 22 km, Đại lộ Đông – Tây giờ đây đã tạo thêm một tuyến đường chính nội đô mới quan trọng giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, giúp các chủ phương tiện giao thông rút ngắn thời gian đi từ phía tây sang phía đông thành phố; tạo ra con đường ngắn nhất nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Anh Trần Đình Châu, thợ điện ở Thủ Thiêm phấn khởi nói: “Biết tin hầm Thủ Thiêm mở, thông tuyến toàn bộ Đại lộ Đông – Tây, người dân quận 2 chúng tôi rất vui. Trước đây, phía Thủ Thiêm và quận 1 bị ngăn cách bởi dòng sông Sài Gòn. Nhưng giờ đây, ngoài cầu Thủ Thiêm còn có Đại lộ Đông – Tây dưới lòng sông Sài Gòn, việc đi lại hai bên rất thuận lợi, rút ngắn một nửa thời gian qua lại”. Trong vài năm tới, với việc xây dựng thêm đoạn tuyến 2,7 km ở phía tây và đoạn tuyến 4,5 km ở phía đông, Đại lộ Đông – Tây sẽ là gạch nối cho hai đường cao tốc: TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, tạo thành một trong những tuyến giao thông chính nối liền đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2007, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương sẽ kéo dài tới Cần Thơ và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ vươn tới Đà Lạt. Cùng với các tuyến đường cao tốc khác là: TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh – Nhơn Trạch và TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (cũng sẽ được xây dựng trong những năm tới), một mạng lưới đường hướng tâm đối ngoại sẽ hình thành, góp phần quan trọng vào việc phát triển thành công cơ sở hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh theo hướng “thành phố mở”. Khi đó các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông nối liên vùng lại với nhau, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở đang nghiên cứu để mở thêm tuyến xe buýt Đại lộ Đông – Tây để giảm lượng hành khách đi vào trung tâm thành phố. Tuyến đường này chắc chắn cũng sẽ là tuyến xe khách thuận lợi vận chuyển hành khách đi từ các tỉnh miền Tây sang các tỉnh miền Đông và ngược lại.
Đại lộ Đông – Tây cũng đã góp phần tích cực vào việc thay đổi cảnh quan đô thị TP Hồ Chí Minh theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng nghìn căn lều lụp xụp, nhếch nhác hai bên bờ con kênh Tàu Hũ – Bến Nghé giờ đây đã được thay bằng bờ kè bê-tông thẳng tắp, sạch sẽ, mở rộng tầm nhìn cho Đại lộ Võ Văn Kiệt và các con đường ven kênh khác. Hàng nghìn hộ dân ở đây đã có những nơi ở mới khang trang hơn tại các chung cư: Bình Trưng, Lý Chiêu Hoàng, Phạm Viết Chánh và ở các khu tái định cư: An Lạc, Lý Chiêu Hoàng, Thủ Thiêm… Khi dự án môi trường nước hoàn thành với các trạm xử lý nước đặt ở hai bên bờ, nguồn nước ở dòng kênh Tàu Hũ – Bến Nghé sẽ trở nên sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu du lịch và vận tải hành khách bằng thuyền trên kênh.
Đại lộ Đông – Tây còn là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã cho TP Hồ Chí Minh vay 428,276 triệu USD vốn ODA, chiếm gần hai phần ba tổng mức đầu tư 660,660 triệu USD. Các nhà thầu lớn của Nhật Bản như: Ô-bai-ô-si, P.S Mít-su-bi-shi. Ka-oa-sa-ki He-vi In-đớt-xtơ-ri… với hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đã có mặt nhiều năm ở Việt Nam để tham gia xây dựng công trình.
Làm việc với các chuyên gia, kỹ sư Nhật Bản gần bảy năm trời tại công trường, kỹ sư Tạ Thái Hùng tâm sự: “Các chuyên gia Nhật Bản lao động rất siêng năng, cần cù và ý thức kỷ luật cao. Họ rất có trách nhiệm với công việc. Qua quá trình xây dựng công trình này, các kỹ sư trẻ Việt Nam cũng đã học hỏi được rất nhiều từ những đồng nghiệp Nhật Bản. Sau dự án này, họ sẽ trưởng thành về trình độ chuyên môn, tác phong lao động công nghiệp và công tác quản lý dự án. Chúng tôi tin rằng, họ sẽ là thế hệ kỹ sư đủ năng lực để đảm nhận những công trình khác tương tự như: tàu điện ngầm, đường cao tốc…”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()