Âm vang Điện Biên Phủ
LSO-Trong một chuyến đi “về với Điện Biên” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã để lại cho các thành viên trong đoàn chúng tôi ký ức không thể nào quên về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với những chiến công hiển hách đã chấm dứt một chặng đường gian khổ của quân và dân Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc Điện Biên nói riêng – làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Đội hình vận tải bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ – Ảnh: Tư liệu |
Trong quá trình đến thăm các khu sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; nhà trưng bày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… trong ký ức tôi thêm trào dâng niềm biết ơn Đảng, Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và bao thế hệ cha ông cùng nhân dân cả nước đã quyết chí, đồng lòng, đồng cam, cộng khổ, vượt đèo cao, suối sâu, thác ghềnh…” “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…”, quân và dân ta trên dưới một lòng theo Đảng, theo Bác trường kỳ kháng chiến. Cả nước được huy động sức lực, vật lực tới mức cao nhất. Tất cả lực lượng đều hướng ra mặt trận, từ trẻ, già, trai, gái không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Mỗi dòng sông lớn đều trở thành đường thủy quan trọng để tiếp lương, tải đạn ra tiền tuyến. Mỗi xóm làng, bờ tre đều trở thành chiến lũy, pháo đài thép chống quân xâm lược.
Qua lời dẫn của người hướng dẫn viên cùng những hiện vật còn hiện hữu tại các khu di tích đã cho tôi nhận thức sâu sắc hơn về Điện Biên Phủ trước ngày giải phóng. Ngày ấy, thực dân pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm, là một hệ thống phòng ngự lớn, gồm 41 cứ điểm được chia thành các cụm, có sức đề kháng phòng ngự cao, có tính chất liên hoàn. Nếu một cứ điểm nào bị đánh, các cứ điểm khác đánh chiếm lại. Tập đoàn này có đội quân nhà nghề, trang bị vũ khí tinh nhuệ.
Quân đội ta lúc này tuy còn non trẻ, lương thực thiếu thốn, nhưng tất thảy họ được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, luôn được Đảng, Bác Hồ chăm lo bồi dưỡng, phấn đấu và trưởng thành. Trong chiến đấu, các binh đoàn bộ binh cơ động: “bách chiến, bách thắng” nối nhau ra tiền tuyến làm quân thù khiếp sợ. Khi vào trận chiến đấu, những trái tim quả cảm đã băng lên xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Gương sáng anh hùng Phan Đình Giót, người chiến sĩ với đồng đội cởi mở và chân thành, là người con quê hương Hà Tĩnh bị thương ba lần vẫn ngoan cường chiến đấu. Anh đã quên mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm của địch. Tấm gương anh hùng Tô Vĩnh Diện, là người con quê hương Thanh Hóa. Trước nguy nan khẩu pháo của đơn vị sắp lao xuống vực, anh đã bình tĩnh lấy thân mình chèn khẩu pháo nặng hàng ngàn tấn và anh dũng hy sinh để cứu pháo. Anh Bế Văn Đàn, là người con quê hương Cao Bằng đã dùng đôi vai của mình để làm giá súng cho đồng đội xả đạn lên tầm cao tiêu diệt địch. Và còn biết bao tấm gương anh hùng, liệt sỹ đã xả thân cứu nước, tạo nên sức mạnh phi thường, giục giã quân ta xông lên diệt thù.
Bên cạnh bộ đội chủ lực là lực lượng đông đảo các đội du kích. Đội quân này vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Họ luồn lách trong rừng núi hiểm trở, đi cả ngày lẫn đêm để tiếp lương, tải đạn trong vùng địch hậu. Đồng thời họ tuyên truyền, vận động nhân dân bủa vây quân địch khắp mọi nơi đào hầm sâu dưới lòng đất, đan thuyền nan đánh giặc… ý chí chiến đấu được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần xây dựng cuộc chiến tranh nhân dân có sức mạnh phi thường.
Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, mở màn chiến dịch, ta đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954), làm cho địch bị đòn bất ngờ. Tướng địch phải lập tức chi viện quân để bảo vệ cứ điểm. Đặc biệt là trận đọ sức gay go, quyết liệt tại đồi A1, quân ta đã ào ạt dội bão lửa lên đồn địch bằng súng đại bác. Quân đội ta lúc này đã lớn mạnh về lực lượng, quyết chí về tinh thần, được cổ vũ bằng lời ca, tiếng hát tại trận địa… Đội văn nghệ xung kích, các đoàn văn công phục vụ bộ đội cũng vượt qua gian khổ như người chiến sỹ thực thụ, đi cùng các chiến sỹ trên các nẻo đường. Những người công nhân cơ khí, qua làn mưa bom, bão đạn vẫn mang vác máy len lỏi vào giáp trận địa để sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu. Họ cơ động trong các cánh rừng sâu, heo hút – dưới sự lãnh đạo của kỹ sư tài năng Trần Đại Nghĩa (người kỹ sư đầu tiên sáng chế ra vũ khí đánh giặc). Những chiến tích sáng tạo của người công nhân cơ khí ngày ấy là tiền đề cho xây dựng đội ngũ công nhân cơ khí lành nghề sau này.
Cùng với đội ngũ công nhân cơ khí, đội ngũ công nhân nhà máy giấy cũng lên đường vào chiến dịch, họ sản xuất giấy tại chỗ phục vụ cho việc in ấn tài liệu báo chí và phục vụ cho chiến dịch xóa mù chữ. Lúc này, theo lời kêu gọi “Diệt giặc dốt” của Hồ Chủ Tịch: Cả nước đi học (không phân biệt dân tộc, lứa tuổi). Trong những năm kháng chiến, cả nước có 14 triệu người thoát nạn mù chữ.
Ngành y, đứng đầu là giáo sư Tôn Thất Tùng đã thành công trong ca mổ hiểm nghèo đầu tiên tại chiến trường… ngành cũng đã sản xuất được nhiều kháng sinh bằng dược liệu tại chỗ phục vụ chiến dịch. Chiến khu Việt Bắc – căn cứ địa kháng chiến luôn là hậu phương vững chắc dõi về tiền tuyến. Hoạt động của các cơ quan báo chí được đẩy mạnh. Báo nhân dân, báo cứu quốc được nhà máy in trong rừng in với số lượng lớn và được chuyển báo ngay ra mặt trận. Báo chí tập trung đăng tải các bài viết vận động kháng chiến… các tòa soạn báo đều hoạt động trong rừng sâu. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân được coi trọng, cũng trong dịp này, cuộc cải cách ruộng đất đã chấm dứt chế độ phong kiến tàn nhẫn. Từ đây, ruộng đất là của dân, người dân làm chủ ruộng đồng. Họ mang trong lòng ơn sâu, nghĩa nặng với Đảng, Bác Hồ và cách mạng đã đổi đời cho người nông dân chấm dứt cảnh cày thuê, cuốc mướn nay được tự chủ và họ cần mẫn lao động, góp của ủng hộ kháng chiến.
Chiến dịch Điện Biên Phủ còn in đậm trong tâm hồn và ký ức nhân loại bằng cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đó là đội ngũ những người phục vụ chiến dịch. Đó là lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Dấu chân họ in trên khắp nẻo đường, những con đường mới mở đầy khó khăn, hiểm trở, những chiếc xe thồ khệ nệ chở lương thực ra mặt trận có một không hai trên thế giới, góp phần “làm nên lịch sử của chiến dịch”
Chiến dịch Điện Biên Phủ làm quân thù bàng hoàng. Đó là lực lượng pháo binh của ta bí mật, bất ngờ nổ giòn dã, buộc tướng Na-va phải chỉ huy quân lính dù, lính lê dương ra ứng cứu cho các cứ điểm tại Điện Biên Phủ.
Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” cả nước một lòng quyết chí, hậu phương dồn toàn lực cho tiền tuyến đánh thắng. Binh hỏa lực của ta bất ngờ tiến công tiêu diệt sinh lực địch, xiết chặt vòng vây, đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay trên đường tiếp tế của địch. Chúng ta tiến công từ cục bộ bộ phận đến toàn bộ, làm cho địch bất ngờ, choáng váng không kịp trở tay.
Điện Biên Phủ giải phóng, tướng giặc Đờ-Cát cùng gần 12 vạn lính dù, lính lê dương ra hàng và bị bắt làm tù binh. Những người lính thất trận tại chiến trường này đã ân hận khi thấy lòng khoan dung, độ lượng của Việt Nam – người chiến thắng vì chính nghĩa.
Khi đội tuần tra cuối cùng của thực dân pháp đi khỏi Cầu Long Biên về nước, chúng ra đi vĩnh viễn. Hà Nội hoàn toàn giải phóng, cả thành phố tưng bừng trong ngày hội lớn – ngày hội chiến thắng. Trái tim người người, nhà nhà tràn ngập niềm vui. Hà Nội chưa bao giờ vui và lộng lẫy đến thế. Các trường học ở Hà Nội đã mở của lại ngay sau ngày giải phóng. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng sau ngày Điện Biên Phủ giải phóng đã nỗ lực vượt bậc hàn gắn vết thương chiến tranh, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương đất nước ngày thêm khởi sắc. Cánh đồng Mường Thanh chiêm mùa hương lúa ngát thơm cùng những điệu múa xòe uyển chuyển lôi cuốn trong các cuộc vui hút hồn du khách. Hoa ban bừng nở khắp nẻo đường quê, tô điểm thêm hương sắc vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã khích lệ làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Dòng người hô vang khẩu hiệu đòi thực dân chấm dứt chiến tranh ở các nước thuộc địa cuồn cuộn như triều dâng sóng cả.
Thắng lợi của chiến dịch là tiếng chuông cảnh báo chế độ thực dân đến hồi tan rã. Khẳng định cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vai trò của mặt trận dân tộc thống nhất đã huy động được thành viên của toàn dân tộc dồn sức người, sức của cho mặt trận. Có quân đội cách mạng được tôi luyện trong đấu tranh gian khổ cam go, trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng chiến đấu. Đồng thời có sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình và các tổ chức quốc tế. Bốn nhân tố quan trọng đó là sức mạnh, là tiền đề để dân tộc Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất Tổ quốc. Cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
BÍCH THUẬN
Ý kiến ()