Ấm tình quân dân bên bờ sông Hàn
Cán bộ Ban Dân vận (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) hướng dẫn cách chăm sóc bò cho người dân thôn Sơn Phước (Hòa Ninh, Hòa Vang). Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Thành ủy Đà Nẵng về việc tham gia "xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo", giúp đỡ các hộ gia đình đặc biệt nghèo trên địa bàn đóng quân, những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Đà Nẵng đã làm tốt công tác dân vận, góp phần giúp các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo.Giúp "chiếc cần câu..."Đại tá Bùi Chí Loan, Chính ủy Bộ CHQS thành phố cho biết: Để giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, Bộ CHQS thành phố xác định: không tặng tiền mặt. Bởi vì, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", cái nghèo đói cũng muôn hình vạn trạng, nếu đồng tiền vốn sử dụng không hiệu quả, thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Cho nên, Bộ CHQS thành phố đã cử cán bộ phối hợp cấp ủy, chính...
Cán bộ Ban Dân vận (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) hướng dẫn cách chăm sóc bò cho người dân thôn Sơn Phước (Hòa Ninh, Hòa Vang). |
Giúp “chiếc cần câu…”
Đại tá Bùi Chí Loan, Chính ủy Bộ CHQS thành phố cho biết: Để giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, Bộ CHQS thành phố xác định: không tặng tiền mặt. Bởi vì, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cái nghèo đói cũng muôn hình vạn trạng, nếu đồng tiền vốn sử dụng không hiệu quả, thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Cho nên, Bộ CHQS thành phố đã cử cán bộ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương xét, chọn, nhận giúp đỡ các hộ gia đình đặc biệt nghèo rất chặt chẽ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trực thuộc giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo cử cán bộ trực tiếp đến cơ sở thâm nhập, để lắng nghe những khó khăn của người dân, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh, nhu cầu hỗ trợ tạo sinh kế làm ăn, thoát nghèo… Qua nhiều đợt làm công tác vận động quần chúng, Bộ CHQS thành phố đã thống nhất đề ra chủ trương, cách giúp các hộ đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng việc hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm ăn.
Thực hiện chủ trương trên, từ cuối năm 2009 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp các địa phương nơi đóng quân hỗ trợ, giúp đỡ 49 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các phường: Hòa Khánh Nam, Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc, thuộc quận Liên Chiểu; các xã: Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú, thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và bốn hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam)…, gồm: 22 con bò và các phương tiện như: xe bán nước mía, xe bán bánh mì, tủ bán xôi, bộ dụng cụ hành nghề uốn tóc và kết hợp hỗ trợ vốn từ bốn đến sáu triệu đồng/hộ…, với trị giá tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Nhất là, sau khi hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình, Bộ CHQS thành phố còn phân công các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đến từng hộ gia đình để tiến hành công tác dân vận, nắm tình hình, hướng dẫn người dân phát huy phương tiện, vật nuôi và tiền vốn được hỗ trợ để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Theo đánh giá của Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, đến nay, đại đa số các hộ gia đình đặc biệt nghèo trên địa bàn sau khi được hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm ăn, thì sau một thời gian đã phát huy hiệu quả, không chỉ có việc làm thường xuyên, mà còn có thu nhập ngày càng ổn định, từng bước ổn định cuộc sống…
Bà con biết ơn Bộ đội Cụ Hồ
Thiếu tá chuyên nghiệp Phan Hoàng Tuấn, cán bộ dân vận của Bộ CHQS thành phố đưa chúng tôi vượt qua các con đường, ngõ phố sôi động bên sông Hàn, đến thăm gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (37 tuổi) và chị Đặng Thị Xuân Lan (32 tuổi), ở tổ 11, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Trong gian nhà xây lợp tôn, rót chén nước chè xanh mời khách, gương mặt sạm đen vì nắng gió biển, anh Hòa phấn khởi kể: Sáng nay, anh vừa đi biển đánh cá trở về. Do thời tiết thuận lợi, cho nên đi biển từ lúc nửa đêm đến tám giờ sáng về, anh đã đánh bắt được khoảng hơn năm kg cá đối, đem ra chợ bán với giá 60 nghìn đồng/kg, tổng cộng được ba trăm nghìn đồng, trừ chi phí xăng dầu và tiền ăn mất 100 nghìn đồng, anh còn được 200 nghìn đồng/công đi biển. Trước đây, mọi chi tiêu của gia đình chỉ trông vào việc anh Hòa đi biển đánh cá thuê cho các thuyền địa phương, chỉ kiếm được từ 70 đến 90 nghìn đồng/ngày, cho nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Cuối năm 2009, gia đình anh Hòa may mắn được Bộ CHQS thành phố hỗ trợ chiếc thuyền thúng và sáu tay lưới ba, trị giá bảy triệu đồng. Hơn hai năm qua, anh chịu khó đi biển đánh bắt cá, cho nên cuộc sống của gia đình anh đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Anh Hòa thổ lộ: “Nếu không có sự giúp đỡ, gần gũi của bộ đội thành phố, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới ổn định được cuộc sống…!”.
Cùng cảnh ngộ và là hàng xóm của vợ chồng anh Hòa, đó là gia đình bà Huỳnh Thị Thêm, 55 tuổi, ốm đau thường xuyên. Ngày trước, bà Thêm làm công việc mua thịt lợn, rau cải, rau muống… ở chợ Kim Liên, rồi đem ra xóm Hòa Vân, cách đó gần bốn km để bán, được lãi 20 nghìn đồng/ngày, cho nên cuộc sống rất khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, cuối năm 2009, Bộ CHQS thành phố trao tặng bà Thêm chiếc xe bán nước mía, trị giá năm triệu đồng. Chiếc xe bán nước mía nhỏ này như phao cứu sinh đối với gia đình bà và nó đã đồng hành cùng bà suốt hơn hai năm qua. Bán nước mía, sau khi trừ chi phí, còn lãi từ 40 đến 60 nghìn đồng/ngày, đủ để mẹ con bà tiết kiệm trang trải cuộc sống và dần thoát khỏi cảnh bần hàn. Bà Thêm thổ lộ: Nếu đơn vị giúp tiền thì mẹ con tôi ăn cũng hết rồi, còn tặng xe nước mía thì được lâu dài.
Có mặt tại xã Hòa Ninh, là một trong ba xã khó khăn nhất của huyện miền núi Hòa Vang, chúng tôi đến thôn Sơn Phước, thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nhiệm, 45 tuổi, là một trong những hộ đặc biệt nghèo, lại có hoàn cảnh éo le. Chồng bỏ đi biệt tích đã nhiều năm, chị nuôi hai con nhỏ, trong một gian nhà xây lợp tôn tuềnh toàng. Cuộc sống của ba mẹ con ngoài trông vào hơn một sào ruộng cấy lúa một vụ, hằng ngày chị đã phải tần tảo sớm hôm đi làm vườn, làm ruộng thuê cho người dân trong vùng… Để giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, tháng tư vừa qua, Bộ CHQS thành phố đã mua tặng gia đình chị một con bò giống, trị giá 12 triệu đồng và tặng một số dụng cụ: xoong nồi, bát, đũa, phích nước, ấm chén để mẹ con chị sinh hoạt hằng ngày. Trong câu chuyện, trên gương mặt hằn nỗi gian truân, giọng chị Nhiệm nghẹn ngào: “Con bò được đơn vị tặng giờ là tài sản quý giá nhất của gia đình, hiện nó sắp sinh sản. Mẹ con tôi biết ơn các cấp, các ngành, biết ơn cán bộ, chiến sĩ đơn vị, các anh đúng là Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân…”.
Tạm biệt những người dân nghèo ở vùng quê ven biển miền trung, chúng tôi thầm cảm phục những việc làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng trong việc giúp dân xóa đói, giảm nghèo… Tin rằng, một ngày không xa, những hộ gia đình nghèo khó nơi đây được đơn vị giúp “chiếc cần câu” sẽ vươn lên thoát nghèo, góp phần thiết thực xây dựng quê hương Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()