Âm thầm hỗ trợ người thầy trong các trường quân đội
Đó là những người làm công tác quản lý học viên và làm công tác phục vụ hậu cần, kỹ thuật trong các nhà trường quân đội. Họ không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng lại có vai trò rất quan trọng.
Ngay từ lúc chưa báo thức, các đồng chí cán bộ của hệ 6, Học viện Chính trị đã xuống dưới sân trường để kiểm tra việc tổ chức tập thể dục của khối học viên.
Tại bếp ăn, các nhân viên phục vụ cũng đã nấu xong cơm, chuẩn bị các món ăn cần thiết để đúng 6 giờ, các học viên ăn sáng. Buổi tối, khi học viên đi ngủ, các đồng chí cán bộ của hệ cũng phải đi một vòng nơi nghỉ của các lớp học viên…
Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng…, công việc của những người này rất âm thầm. Họ dường như không có khái niệm ngày thứ bảy, chủ nhật bởi những ngày này, học viên vẫn có mặt tại hệ. Có thể rất nhiều học viên của hệ 6 không biết tường tận về công việc của họ. Thế nhưng, họ chính là mắt xích quan trọng hỗ trợ những người thầy trong “lò luyện” chính ủy của toàn quân.
Khuôn viên Học viện Chính trị luôn xanh, sạch, đẹp. |
Do đặc điểm của các nhà trường quân đội, đại đa số học viên đều ăn nghỉ tại trường nên công tác nuôi dưỡng bộ đội, công tác quản lý, rèn luyện học viên có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến thể lực của học viên và góp phần giữ gìn, phát triển nhân cách của quân nhân cách mạng.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhà trường quân đội ngày càng được quan tâm. Công nghệ thông tin cũng giúp cho những người quản lý học viên đỡ vất vả hơn. Thế nhưng những công việc âm thầm hỗ trợ công tác đào tạo này cũng rất ít người được biết đến.
Việt Nam là một đất nước có truyền thống trọng thầy trọng chữ, trong suốt quá trình lịch sử, người thầy luôn được xã hội coi trọng và đề cao. Ông cha ta có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, có nghĩa là “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cúng là thầy”.
Thế nhưng chữ “tự” đến nay cũng đã cần thay đổi. Người thầy không chỉ là những người dạy chữ, dạy cho ta những tri thức mới, người thầy còn là người có thể bổ sung cho ta những điều mà người học thấy cần thiết. Chính vì thế, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ tôn vinh những người thầy trực tiếp đứng trên bục giảng mà còn là ngày ghi nhận công sức của những người âm thầm hỗ trợ các thầy, nhất là các thầy trong các trường quân đội!
Ý kiến ()