LSO-Nếu ví núi Mẫu Sơn như hình một chiếc nón khổng lồ úp trọn xã Công Sơn và Mẫu Sơn thuộc 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình thì thôn Khuổi Cấp là một mặt nón ở phía đông. Khuổi Cấp hứng trọn những ngọn gió mùa sau tết làm cái lạnh như lạnh hơn. Thế mà trên đỉnh Khuổi Cấp có một lớp học với những đứa trẻ chân trần vẫn ngày ngày luyện chữ. Cô giáo Triệu Thị Múi hướng dẫn học sinh tập viếtNhìn từ xa những ngôi nhà của đồng bào Dao ở thôn Khuổi Cấp li ti như những nốt ruồi của núi mẹ. Nổi bật lên những chấm li ti ấy, phân trường Khuổi Cấp hiện hữu như một chấm phá về văn minh. Ở đây, mỗi phân trường ấy là nhà xây, cửa kính, lợp tôn, lát nền bằng gạch hoa. Thế nhưng, những con người sở hữu nó thì vẫn không phai được cái tất tả đời thường của một vùng đất khó. Phân trường Khuổi Cấp có lẽ là một phân trường gây ấn tượng mạnh với tôi nơi có tới 3 cái bảng trong 1 lớp học. Gọi là lớp...
LSO-Nếu ví núi Mẫu Sơn như hình một chiếc nón khổng lồ úp trọn xã Công Sơn và Mẫu Sơn thuộc 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình thì thôn Khuổi Cấp là một mặt nón ở phía đông. Khuổi Cấp hứng trọn những ngọn gió mùa sau tết làm cái lạnh như lạnh hơn. Thế mà trên đỉnh Khuổi Cấp có một lớp học với những đứa trẻ chân trần vẫn ngày ngày luyện chữ.
Cô giáo Triệu Thị Múi hướng dẫn học sinh tập viết
Nhìn từ xa những ngôi nhà của đồng bào Dao ở thôn Khuổi Cấp li ti như những nốt ruồi của núi mẹ. Nổi bật lên những chấm li ti ấy, phân trường Khuổi Cấp hiện hữu như một chấm phá về văn minh. Ở đây, mỗi phân trường ấy là nhà xây, cửa kính, lợp tôn, lát nền bằng gạch hoa. Thế nhưng, những con người sở hữu nó thì vẫn không phai được cái tất tả đời thường của một vùng đất khó. Phân trường Khuổi Cấp có lẽ là một phân trường gây ấn tượng mạnh với tôi nơi có tới 3 cái bảng trong 1 lớp học. Gọi là lớp học cho oai chứ mỗi lớp chỉ lèo tèo có vài học sinh. 3 cái bảng nghĩa là có 3 lớp ghép, lớp 1 chỉ có 3 cháu, lớp 2 thì 2 cháu, may lớp 3 được 6 cháu, cộng cả phân trường hơn chục học sinh. Thế mà vẫn học, vẫn hát rộn vang cả núi rừng. Thấy có khách, cô giáo Triệu Thị Múi, giáo viên dạy cả 3 lớp như bối rối hơn, cô cười ngượng, rồi nói, các anh thông cảm, ở trên này là thế, bây giờ đã khá hơn rồi còn xưa kia là tranh vách đất, cô giáo phải ở nhờ nhà dân. Có khi mưa dột lõng bõng cả nền lớp mà chúng em vẫn dạy, học sinh vẫn học. Rồi cô tâm sự, mới lên đây em cũng buồn lắm, nhà ở tận Bó Pằm cách Khuổi Cấp 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Vì vậy, hai con nhỏ đành nhờ chồng chăm sóc. Không hiểu sao vùng đất khó thế mà các em lại rất chăm học. Chỉ cậu bé tầm 8 tuổi trên đầu quấn chiếc khăn mặt cho đỡ rét, cô giới thiệu, em Triệu Chòi Nhàn nhà cách đây 1 tiếng đồng hồ đi bộ nhưng không bao giờ em trễ học. Còn Dương Chằn Quảng vừa học vừa phải chăn trâu, lúc cậu đi học cũng là lúc lùa trâu ra núi, khi tan học thì đánh trâu về. Tôi đố Triệu Thị Phan lớp 1 mấy con toán, nó giải vanh vách chẳng kém gì học trò ở phố. Thế mới biết sự học, sự tài đâu cứ phải chốn phồn hoa đô thị. Nhìn những đứa trẻ ở đây sao mà đáng yêu đến thế. Trên nền đất giá lạnh, cái rét cắt da cắt thịt nhưng đứa nào cũng chỉ phong phanh manh áo mỏng. Nhìn đôi bàn chân của Triệu Thị Minh tím tái trên nền gạch lạnh tôi hỏi: “Cháu rét không”? nó nhìn xuống rồi bẽn lẽn: “Rét nhưng chịu được, quen rồi”. Và cứ thế đứa thì ê a đọc bài, đứa thì làm toán, đứa thì tập vẽ làm không khí như ấm lên xua tan cái giá lạnh và gió ù ù ngoài cửa. Theo trưởng thôn Khuổi Cấp, các cháu chịu khó đi học lắm, hầu như phổ cập đúng độ tuổi, nhưng học lên cao thì khó vì điều kiện gia đình các cháu còn khó khăn. Thôn 100% là hộ nghèo, cái ăn chưa đủ nói chi chuyện học. Khuổi Cấp là thôn đặc biệt khó khăn, có thể nói Khuổi Cấp nghèo nhất xã Mẫu Sơn. Toàn thôn Khuổi Cấp có 23 hộ, trên 100 nhân khẩu không có trẻ nào ở độ tuổi không được ra lớp. Nhà ở gần phân trường, đi bộ hết tầm 30 phút nhưng ngày nào ông Triệu Chằn Sỉu trưởng thôn cũng đến động viên các cháu, câu đầu tiên ông nói với chúng bằng tiếng Dao: “Học cho giỏi nhé, chỉ học giỏi mới làm cán bộ được”. Bọn trẻ chắc chưa hiểu cán bộ là gì nhưng chắc nó nghĩ làm cán bộ sẽ bớt khổ, làm cho bản giàu lên, vì vậy phải học thôi. Chia tay phân trường, chia tay các em Múi B, Chằn Quảng, Chòi Nhàn… nghe chúng ê a hát để tặng khách mà tôi cứ thấy thương thương. Thương vì nơi đây quá vất vả, thương vì những đứa trẻ lo cả việc học, cả chăn trâu. Xa cái lớp học 3 bảng, trên đỉnh núi nhìn xuống gió vẫn thổi làm tung những cánh hoa đào, hoa mận bay như những đốm lửa làm ấm cả núi rừng biên giới.
Đông Bắc
Ý kiến ()