Ấm lòng biên giới
LSO-Những ngày đầu tháng 12/2014, khi không khí lạnh tăng cường của mùa đông biên giới tràn về thì nhiệt huyết của các bạn trẻ dường như càng cháy bỏng hơn. Cái lạnh cắt da cắt thịt ấy những tưởng sẽ ngăn những bước chân tuổi trẻ, nhưng không, nó càng khiến họ vững bước lên đường, đi đến những miền đất khó. Nơi đó có những đứa trẻ còn nhọc nhằn, gian truân trên con đường đi tìm cái chữ.
Tặng sách, vở, bút cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Công Sơn, huyện Cao Lộc |
Vượt đường khó đến vùng cao
Theo chân các bạn sinh viên Hội đồng hương Lạng Sơn tại Hà Nội và những bạn trẻ trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lạng Sơn Photo lên với đồng bào và các em nhỏ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Công Sơn, huyện Cao Lộc, chúng tôi mới thấy và thấu hiểu con đường khó giữ chân đồng bào nơi đây như thế nào. Chiếc xe khách 45 chỗ chở các bạn sinh viên chỉ đi hết được con đường lớn từ Hà Nội đến xã Hải Yến, từ đoạn rẽ vào xã Công Sơn các bạn phải hành quân đi bộ. Nhìn xe máy, thậm chí là ô tô hai cầu, gầm cao 7 chỗ vào đoạn đường đất ấy đã khó thì các bạn đi bộ hơn 7 cây số còn vất vả hơn nhiều. Chúng tôi nói vui là xe đè lên đá chứ không phải là đường nữa, bởi đá tảng, đá dăm cứ đua nhau trồi lên mặt đường. Anh công an huyện phụ trách địa bàn, tuần nào cũng cùng chiếc xe máy xuống bản vài lần mà tay lái vẫn không làm chủ được chiếc xe, thi thoảng nó lại dở chứng nằm “đo đường”. Thế nhưng, các bạn trẻ vẫn vừa đi vừa hát, nhiệt huyết cháy bừng trong tim. Bạn Lâm Hồng Thủy, thành viên CLB Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội chia sẻ: Đi bộ cũng hơi vất vả, song 7 cây số thì đã thấm gì so với ngày xưa em cuốc bộ đi học, vì thế, mọi người càng cố gắng bước nhanh hơn, hát to hơn để mau đến với các em, như thế cũng xua tan cái lạnh vùng cao.
Mặc dù không phải đi bộ như các bạn sinh viên, nhưng các thành viên CLB Nhiếp ảnh Lạng Sơn Photo cũng chinh phục rất nhiều cung đường khó mới đến được vùng đất Công Sơn. Lên đến đây, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được hết cái lạnh giá của mùa đông vùng cao nơi này. Trong tiết trời lạnh 9-10 độ C, vậy mà đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các em nhỏ phong phanh manh áo mỏng, phần lớn chân trần, một số em đi dép “tổ ong” vá chằng vá đụp, những đôi tông xẹp lép, màu bạc thếch. Thấy chúng tôi, ánh mắt các em bừng sáng niềm vui nhưng vẫn rất rụt rè, cái rụt rè chân chất của đồng bào dân tộc nơi đây. Sau khi thấy các anh chị sinh viên dỡ đồ và chuẩn bị sân khấu cho chương trình thì các em mới lại gần và chung tay hỗ trợ. Những câu chuyện, những nụ cười như trao gửi niềm tin yêu, sự đồng cảm kết nối những trái tim lại gần nhau hơn.
Những tấm lòng thiện nguyện
Công Sơn là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc, xã nằm cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Toàn xã có 10 thôn, 250 hộ dân, với 1.301 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao, theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2014 thì xã có 65,8 % hộ nghèo. Các thôn không tập trung mà nằm rải rác trên khắp địa bàn của xã, hệ thống giao thông đi lại giữa các thôn trong xã còn khó khăn. Đa số các hộ dân trong xã đều là thuần nông, nên khả năng phát triển kinh tế – xã hội của bà con trong xã còn thấp, chưa theo kịp với sự phát triển chung của các xã khác trong huyện Cao Lộc nói riêng, cũng như các xã trong tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Nhận thấy những khó khăn đó, các bạn trẻ trong CLB Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội đã phối hợp với CLB Nhiếp ảnh Lạng Sơn Photo, các cơ quan báo chí, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn… vận động quyên góp, ủng hộ chương trình “Ấm lòng biên giới”, về với đồng bào và trẻ em xã Công Sơn. Ngay khi chương trình được khởi động và chia sẻ trên trang mạng Facebook, ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tấm lòng hảo tâm, tổng giá trị chương trình các bạn trẻ thực hiện lên đến trên 32 triệu đồng. Điển hình như: các bạn sinh viên đã quyên góp được 250 cuốn truyện, sách ủng hộ thư viện nhà trường, tặng 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng; Công ty TNHH Thành Long (Jessica) ủng hộ chương trình 5 thùng bánh bích quy; Công ty Cổ phần Thiên Ngân ủng hộ 300 chiếc bút, 300 quyển vở mới; Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn ủng hộ 3 triệu đồng; Nhà hàng Trà Linh (Hữu Lũng) ủng hộ 2 triệu đồng; CLB Khai Tâm Việt ủng hộ 50 chiếc chăn ấm trị giá 12,5 triệu đồng; một chị bán hàng ở Chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn ủng hộ 10 chiếc chăn và rất nhiều cá nhân hảo tâm ủng hộ bằng tiền mặt và vật chất cho chương trình… Ông Đàm Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Lạng Sơn cho biết: đây là một chương trình ý nghĩa, vì thế khi biết có chương trình và được mời tham gia, chúng tôi ủng hộ ngay. Trong chương trình đã có nhiều doanh nghiệp là thành viên của Hội ủng hộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các hội viên tham gia hoạt động từ thiện nhiều hơn nữa, cùng chung tay hướng về những vùng khó khăn của tỉnh.
Đáng chú ý, các thành viên tham gia chương trình thuộc CLB quyên góp ủng hộ chương trình hơn 3 triệu đồng. Anh Đào Duy Hưng, thành viên CLB Nhiếp ảnh Lạng Sơn Photo cho biết: mỗi thành viên tham gia chương trình ủng hộ 300 ngàn đồng để đi thăm, tặng quà và hỗ trợ cho các em học sinh. Nhưng khi lên đến đây, chúng tôi thấy các em nhỏ và đồng bào khó khăn quá nên các thành viên trong đoàn quyết định mỗi người đóng góp thêm 200 ngàn đồng để trao 2 suất quà cho 2 hộ nghèo ở thôn xa nhất xã, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
Cần nhiều hơn nữa những tấm lòng
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Công Sơn có trên 200 học sinh với 14 lớp, trong đó cấp tiểu học có 10 lớp, cấp THCS có 4 lớp. Mặc dù đường sá đi lại còn nhiều khó khăn nhưng thầy, cô giáo nơi đây luôn gắn bó với mảnh đất này. Thầy giáo Hoàng Mạnh Tuynh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Được sự động viên chia sẻ của các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội nên đội ngũ thầy, cô giáo luôn yên tâm công tác và nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2011, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; hiện nay vẫn duy trì song song 3 cấp học: mầm non, tiểu học và THCS. Trong hai năm học gần đây, chính quyền xã đã có nhiều đổi mới, quan tâm đến giáo dục địa phương, cùng hỗ trợ tham gia trong các hoạt động giáo dục của trường, phụ huynh đã có những đóng góp về ngày công, cùng giáo viên nhà trường tu sửa cơ sở vật chất phòng học trong năm học.
Một miếng bánh nhỏ, một manh áo ấm… tuy giá trị vật chất không cao nhưng thể hiện được ý nghĩa nhân văn lớn lao. Anh Triệu Chằn Minh, thôn Nhọt Nặm, sinh năm 1970 mà có tới 5 người con (4 gái, 1 trai). Gia đình anh là một trong những hộ được nhận chăn ấm tại chương trình, anh xúc động chia sẻ: Tôi rất cảm ơn chương trình, mùa đông này, gia đình tôi có thêm chăn ấm rồi…
Công Sơn chỉ là một trong rất nhiều xã còn khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Chính vì thế, cần hơn nữa rất nhiều tấm lòng nhân ái, kết nối triệu trái tim thiện nguyện để cùng hướng về đồng bào, trẻ em vùng cao Xứ Lạng, giúp họ thêm ấm lòng hơn trong những ngày đông giá rét. Em Dương Thị Lê, sinh viên trường Đại học Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội khẳng định: Hội chúng em là tổ chức kết nối trái tim những người trẻ, sinh ra và lớn lên trên quê hương Xứ Lạng, hiện đang học tại Hà Nội. Năm 2013, chúng em tổ chức thành công chương trình tại xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng. Sau thành công của chương trình tại xã Công Sơn, chúng em sẽ tiếp tục quyên góp, vận động để thực hiện nhiều hơn nữa những chương trình tình nguyện, giúp đồng bào và trẻ em vùng cao Xứ Lạng quê hương.
Tặng cho các hộ nghèo xã Công Sơn, huyện Cao Lộc |
Chia tay các bạn trẻ, chúng tôi – những người đồng hành cảm thấy ấm lòng hơn và câu nói của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Triệu Sáng Suẩn “tết này lại lên với Công Sơn nhé!” như lời hẹn cho những chuyến hành trình của chúng tôi sẽ còn đến với vùng cao.
PHONG LINH
Ý kiến ()