Quê hương ông ngày càng khang trang, đổi mới. Đặng Cương là một trong sáu xã của huyện An Dương đã hoàn thành cơ bản 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, nông dân trong xã thu nhập gần 40 tỷ đồng từ trồng hoa, cây cảnh… Cũng như nhiều người dân tại địa phương, ông Long bày tỏ niềm phấn khởi trước sự kiện Đại hội XII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và tin tưởng rằng: Đại hội lần này sẽ đề ra được chủ trương, đường lối chiến lược đúng đắn, đưa các vùng nông thôn, hải đảo phát triển tiến bộ bắt kịp với khu vực đô thị và đời sống người dân nông thôn ngày càng văn minh, hạnh phúc…
Đã hơn 20 năm gắn bó với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên huyện đảo Bạch Long Vĩ – đảo tiền tiêu giữa vịnh Bắc Bộ, các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng vẫn luôn vững vàng, nỗ lực cùng xây dựng đảo Thanh Niên ngày càng giàu mạnh. Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP (Thành Đoàn Hải Phòng) Nguyễn Công Diễn chia sẻ: Gửi tâm nguyện về Đại hội, lực lượng TNXP nguyện đoàn kết, xung kích, tình nguyện trong phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bước vào năm mới với khí thế thi đua sôi nổi, anh Phạm Quang Hòa, đội phó xếp dỡ 1, Chi nhánh Cảng Hoàng Diệu (Công ty CP Cảng Hải Phòng) cho biết, đội ngũ công nhân, lao động Cảng Hải Phòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch sản xuất ngay từ ngày đầu, tháng đầu, với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Phát triển cảng biển và các lĩnh vực kinh tế biển đang là thế mạnh của Hải Phòng. Điều đó càng có ý nghĩa khi nhiều dự án kết cấu hạ tầng được đầu tư triển khai tích cực như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cầu Đình Vũ – Cát Hải…, tạo động lực quan trọng để phát triển thành phố và cả khu vực; là cơ hội xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Niềm tự hào trên quê hương kháng chiến
Những ngày này, không khí thi đua lao động rộn rã hai bên tuyến đường từ trung tâm xã về Khu di tích lịch sử Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Các tổ chức đoàn thể của xã huy động đoàn viên, hội viên tổ chức Tết trồng cây sớm, gắn với phong trào lắp điện đường thắp sáng làng quê. Đây là công trình được cấp ủy và chính quyền, đoàn thể xã chọn để chào mừng Đại hội XII của Đảng. Chủ tịch UBND xã Đào Ngọc Vang, hồ hởi, Kim Bình tự hào được Đảng và Bác Hồ chọn làm nơi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Do vậy, truyền thống lịch sử của quê hương là hành trang của Đảng bộ và nhân dân xã trong mỗi bước phát triển.
Nhiệm kỳ qua, vượt qua những khó khăn của địa bàn vùng núi, Kim Bình đã lựa chọn những biện pháp phù hợp để tập trung phát triển kinh tế – xã hội. Bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những cây thế mạnh như chuối, mía, cây vụ đông, cùng với đầu tư thâm canh nên đã phát huy tiềm năng, đưa hệ số sử dụng đất hai năm nay đều đạt 2,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ hơn 52% (năm 2010) xuống còn 6,3%. Cuối năm 2015, Kim Bình đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là thành tích ý nghĩa của vùng chiến khu xưa hướng về Đại hội.
Ông Hoàng Văn Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình cho biết, ba mươi năm đổi mới, quê hương ông giờ đã đổi thay nhiều, cuộc sống của người dân dần ấm no, hạnh phúc. Những ngày qua, ông cùng các đảng viên và bà con trong thôn thường xuyên theo dõi các thông tin về Đại hội và mong chờ những chuyển biến mạnh mẽ đưa kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển hơn nữa, với các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, tạo đà phát triển kinh tế nông thôn, giảm khoảng cách chênh lệch với thành thị.
Mầu đỏ thắm của cờ Đảng, cờ Tổ quốc và băng-rôn, khẩu hiệu rực rỡ trên nền xanh của núi rừng hùng vĩ. Niềm tự hào cùng nỗ lực mới tạo khí thế khiến chiến khu xưa bừng thêm sức sống.
Đồng bào Vân Kiều trọn tình, vẹn nghĩa
Mới 8 giờ sáng, không khí ở bản Tân Ly, xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã khá nhộn nhịp. Chiếc xe loa của đội thông tin lưu động huyện Lệ Thủy đi từ đầu đến cuối bản tuyên truyền về Đại hội XII của Đảng. Bí thư Chi bộ bản Tân Ly Hồ May, nói: “Đó, không khí Đại hội của Đảng không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, các đô thị mà đã lan đến tận bản làng nơi biên giới. Tui (tôi) mong Đảng có nhiều chủ trương đưa đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều đi tới ấm no”.
Cùng Thiếu tá Phan Anh Ngọc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Ho và Bí thư chi bộ Hồ May thăm cánh đồng lúa Tân Ly, chúng tôi gặp gỡ bà con đang chăm sóc lúa. Giữa hun hút núi rừng Trường Sơn, một thung lũng nhỏ được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình dày công cải tạo để thành cánh đồng lúa nước hai vụ tốt tươi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hồ Thị Ốc nói: “Đồng bào nơi đây trước khổ lắm, sống du canh, du cư và nhờ rừng thôi, chừ (giờ) được Đảng và Nhà nước quan tâm nên đã có ruộng, có nhà, nước sạch, sáng hơn nhiều rồi”.
Bà con kể, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho luôn bám bản, giúp người dân từ bỏ cuộc sống du canh, du cư đến định cư tại các bản ở ven nhánh tây đường Hồ Chí Minh, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, thực hiện các mô hình trồng rừng, chăn nuôi để ổn định cuộc sống. Đến nay, cơ bản đời sống bà con đã ổn định. Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý thông báo tin vui, Tết này là cái Tết đầu tiên 54 hộ đồng bào bản Eo Bù – Chút Mút, ở sát biên giới Việt – Lào có điện lưới quốc gia. So với năm năm trước, hạ tầng như điện, đường, trường, trạm của xã biên giới Lâm Thủy đã đầu tư khá cơ bản để nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây.
Chia tay bản Tân Ly, chúng tôi bám theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh đến với bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Người dân nơi đây đang háo hức đón điện lưới quốc gia. Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy Hồ Viết Tình đón chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt và ấm chè xanh sóng sánh. Đồng chí cho biết, là địa bàn có tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp phong phú, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kim Thủy vẫn còn rất nghèo, vẫn thiếu ăn vào mùa giáp hạt. Giúp họ thoát nghèo, chính quyền huyện đã vận động bà con trồng được hơn 4.000 ha rừng. Đáng mừng là trước đây đất của xã bỏ hoang thì nay thành “đất vàng đất bạc”. Cuối năm 2015, số hộ có rừng trồng trên địa bàn chiếm 45%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 14%. Theo đồng chí Hồ Viết Tình, cấp ủy, chính quyền và đồng bào mong muốn qua Đại hội lần thứ XII, Đảng có nghị quyết chuyên đề và dành nguồn lực thích đáng để đầu tư cho khu vực này. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất, giúp người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống, giảm dần cách trợ giúp kiểu cấp phát thụ động.
Chia tay với đồng bào dân tộc Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi mang theo nhiều niềm mong đợi gửi về Thủ đô, để bản làng nơi đây ngày thêm đổi mới.
Ý kiến ()