Ám ảnh trở về từ Campuchia - Ghi từ lời kể của nạn nhân
– Tin lời các đối tượng lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, nhiều công dân Việt Nam, trong đó có công dân tỉnh Lạng Sơn đã xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc. Thế nhưng khi sang đó, họ đã vỡ mộng, bị ép phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập, tra tấn, gia đình phải bỏ tiền chuộc hoặc tìm cách chạy trốn về nước. Khi trở về, họ vẫn rùng mình, ám ảnh khi nhắc về những ngày tháng ở “địa ngục” nơi xứ người.
Trong số đó, chúng tôi đã gặp được anh Hoàng Văn Quyết, sinh năm 1990, trú tại khu Pò Mục, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, 1 trong số 40 công dân Việt Nam chạy trốn khỏi Campuchia ngày 18/8/2022.
Anh Hoàng Văn Quyết trình bày sự việc với lực lượng công an
Cho đến giờ, khi nhớ lại nhưng tháng ngày làm việc bên Campuchia, anh Quyết vẫn bị ám ảnh. Trong câu chuyện với chúng tôi ngày 31/8 vừa qua, anh không ít lần rơi nước mắt, uất ức không nói nên lời. Đầu năm 2022, thông qua giới thiệu của một người ở gần nhà, anh Quyết liên lạc qua mạng xã hội với một người tên Xuân ở thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng. Người này nói, đi Campuchia không mất phí, được bao trọn gói, lại tìm được việc nhẹ lương cao, công việc chính là chỉ ngồi máy tính, làm game, lương tháng 900 USD (tương đương khoảng hơn 21 triệu đồng/tháng). Nghe giới thiệu, Quyết đồng ý.
Trưa 21/3/2022, anh Quyết được Xuân bố trí xe đón tận nhà, mua vé máy bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh và bắt xe từ thành phố Hồ Chí Minh vào Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Ngay đêm đó, anh và khoảng 10 người Việt Nam khác được một nhóm đối tượng đưa vào đất Campuchia theo đường tiểu ngạch. Kể từ đây họ bước vào một thế giới khác xa so với tưởng tượng ban đầu. Giờ đây, mỗi lần nhớ đến, anh Quyết lại rùng mình sợ hãi.
Anh Quyết kể: Sang đó, đầu tiên tôi được đưa vào làm trong công ty do người Trung Quốc làm chủ. Nhưng công việc không phải là làm game như đã được giới thiệu, cũng không có hợp đồng, mà tôi và các nạn nhân khác bị ép làm công việc lừa đảo trên các ứng dụng trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là người Việt Nam. Khi ấy, tôi mới biết mình bị lừa.
Nói cụ thể về công việc, anh Quyết cho biết: Ở đó, tôi và những người khác trong công ty được cấp 2 điện thoại di động và đã có sẵn tài khoản zalo, họ yêu cầu chúng tôi giả danh nhân vật nam, kết bạn, nhắn tin, gọi điện cho khách hàng có nhu cầu làm việc bán thời gian tại nhà làm cộng tác viên chốt đơn hàng và sẽ được hưởng hoa hồng. Cộng tác viên sẽ được hoàn lại tiền cộng với hoa hồng 10% một số đơn hàng đầu tiên để tạo lòng tin, những đơn hàng sau đó khi họ chuyển tiền đều sẽ bị chiếm đoạt.
“Tôi làm công ty đầu tiên được 1 tháng và bị bán sang công ty thứ 2 mà không được trả lương. Tại công ty thứ 2, tôi được cấp 10 điện thoại di động, gắn sim Việt Nam và phải cài đặt 10 tài khoản zalo, facebook giả danh là nữ sinh để kết bạn làm quen, hẹn hò yêu đương với các tài khoản mạng xã hội là nam giới, sau đó dẫn dắt khách đặt đơn hàng để lừa đảo như ở công ty đầu tiên. Tôi bị ép chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa kiếm doanh thu về cho công ty, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc bị tra tấn dã man. Việc tra tấn có nhiều hình thức như đánh đập, bỏ đói, còng tay chân và ghế sắt rồi chích điện…, có người không chịu được đã nhảy từ tầng 13 xuống tử vong” – anh Quyết nghẹn ngào nói.
Anh Hoàng Văn Quyết kể lại những tháng ngày lao động bên Campuchia trong ám ảnh
Cho đến giờ nghĩ lại, Quyết không nghĩ mình còn cơ hội sống sót trở về quê hương, bởi nơi anh và hàng trăm người Việt làm bên Campuchia như một đặc khu, có lực lượng canh giữ nghiêm ngặt. Nhưng với suy nghĩ: “Dù có chết cũng chết trên đất Việt Nam”, anh và nhiều người Việt cùng công ty đã bàn bạc, chọn thời điểm lực lượng bảo vệ sơ hở sẽ bơi qua sông Bình Di, tỉnh An Giang về nước. Và kết quả là diễn biến sự việc ngày 18/8 vừa qua. Tại An Giang, anh và các công dân Việt Nam được hỗ trợ ăn, nghỉ và tiền tàu xe về nhà (anh Quyết về đến nhà ngày 27/8/2022). Khi về đến địa phương, anh đã đến trụ sở Công an thị trấn Lộc Bình và Công an huyện trình báo sự việc.
Theo anh Quyết cho biết, ở các công ty anh từng làm thì có khoảng 10 công dân tỉnh Lạng Sơn, chủ yếu là ở huyện Lộc Bình và Đình Lập; trong đó riêng anh Quyết là trốn về được, còn lại có người phải chuộc tiền hàng trăm triệu đồng. “Có người đến nay không liên lạc được, không biết sống chết thế nào; người đã bố trí đưa đón chúng tôi sang Campuchia giờ cũng không liên lạc được, không rõ địa chỉ cụ thể. Giờ may mắn trở về được, tôi sẽ tìm công việc ở trong nước để sinh sống, dù gì thì ở quê hương đất nước mình là an toàn nhất”, Quyết chia sẻ.
Có lẽ câu chuyện trên không chỉ riêng anh Quyết mà còn rất nhiều nạn nhân khác chúng tôi chưa tiếp cận, liên lạc được. Nhưng qua đây sẽ là bài học đắt giá để bà con Nhân dân cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng đưa dẫn người xuất cảnh trái phép sang Campuchia để lao động với chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.
Ý kiến ()