Algeria: Thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Algeria luôn tăng trưởng ổn định mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria năm sau cao hơn năm trước, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi chỉ sau Nam Phi và Ai Cập.
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất của Việt Nam |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Algeria đạt 67,89 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, cà phê là mặt hàng đạt kim ngạch lớn nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria với 30,97 triệu USD, tăng 96%; tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch 18,51 triệu USD, tăng 134%. Riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo chỉ đạt 1,3 triệu USD, giảm tới 90%.
Algeria là quốc gia nằm ở khu vực Bắc Phi, có 1.500 km bờ biển, giáp với Maroc, Tunisia, Libi, Mauritania, Mali và Niger. Algeria có dân số khoảng 37,4 triệu người. Trong lĩnh vực kinh tế, Algeria có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ bảy trên thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu khí tự nhiên và đứng thứ 14 về trữ lượng dầu mỏ. Những năm gần đây, tình hình chính trị của Algeria ổn định, nền kinh tế được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Nguồn khí tự nhiên đóng góp vào 60% nguồn thu ngân sách, 30% GDP và 95% giá trị xuất khẩu. Chính phủ Algeria đã quan tâm hơn tới nông nghiệp nhưng vẫn chưa đảm bảo tự túc được lương thực. Các sản phẩm nông nghiệp chính của Algeria là lúa mì, lúa mạch, yến mạch, nho, ôliu, cam, quýt, gia súc.
Chính phủ Algeria đã có nhiều cố gắng để đa dạng hoá nền kinh tế bằng việc thu hút các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng, giảm tỷ lệ người thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Algeria năm 2013 tăng khoảng 3,1% đạt 215,7 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 5752 USD. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 9,4% GDP, công nghiệp 62,6% và dịch vụ 28%. Tỷ lệ lạm phát là 3,9%. Dự trữ ngoại hối và vàng của Algeria năm 2013 lên tới 192,5 tỷ USD, cao gấp 4 lần tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.
Về ngoại thương, trong cán cân thương mại, Algeria thường xuyên xuất siêu. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 68,25 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu mỏ, khí tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ (97%). Algeria chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Canada và Brazil.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Algeria, năm 2013, kim ngạch nhập khẩu của Algeria đạt 55,02 tỷ USD với các mặt hàng chính gồm tư liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng. Algeria nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ các quốc gia Pháp, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ.
Do chủ yếu tập trung phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ nên khả năng cung ứng trong nước còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Algeria có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các thiết bị kỹ thuật, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xây dựng, hàng tiêu dùng, lương thực – thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Được biết, trong những năm gần đây, nhằm thúc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Algeria, Bộ Công Thương đã thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức hội thảo giao thương trực tuyến, tổ chức đoàn doanh nghiệp thăm và tìm hiểu thị trường Algeria, tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế thường niên tại Algeria. Ngoài ra, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, tháng 1/2014 vừa qua, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria đã ký Biên bản hợp tác nhân dịp hai nước tổ chức kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban liên Chính phủ tại Hà Nội.
Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Algeria vẫn sẽ là cà phê, gạo, hạt tiêu, cơm dừa, hải sản, điện thoại, linh kiện máy tính. Ngoài ra, Việt Nam có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp tiềm năng khác như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, hàng điện tử…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()