AIPA-45: Hợp tác liên nghị viện thúc đẩy ASEAN kết nối và tự cường
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 đến 19/10/2024.
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào các nội dung của AIPA.
Hợp tác liên nghị viện vì quyền lợi người dân ASEAN
Ngày 2/9/1977 (10 năm sau khi ASEAN được thành lập), Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) ra đời để thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên nhằm đạt được những mục tiêu của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể gia nhập AIPO với tư cách là thành viên hoặc quan sát viên đặc biệt sau khi họ trở thành thành viên của ASEAN.
Đến kỳ Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 được tổ chức tại thành phố Cebu, Philippines năm 2006, Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) quyết định đổi tên thành Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).
Cùng với việc đổi tên, AIPO 27 đã bổ sung các điều lệ mới về tổ chức và các nghị quyết khẳng định cam kết của các nước trong việc tăng cường cơ hội thương mại, đầu tư nội khối; bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân; chống khủng bố.
Thêm vào đó là tăng cường việc giám sát thực hiện các nghị quyết đã được ban hành với việc định ra cơ chế báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện nghị quyết của nghị viện các nước thành viên lên Đại hội đồng…
Mục tiêu, mục đích trên hết của AIPA là thúc đẩy đoàn kết, hiểu biết, hợp tác và mối quan hệ khăng khít giữa các nghị viện các nước thành viên ASEAN và các nghị viện, tổ chức nghị viện khác trên thế giới; nghiên cứu, thảo luận và gợi ý các giải pháp cho những vấn đề có lợi ích chung cũng như thể hiện quan điểm về những vấn đề đó nhằm giúp các thành viên AIPA có những hành động và phản ứng kịp thời; phát huy những nguyên tắc về dân chủ, hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở ASEAN.
Sau 47 năm, AIPA đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.
Trong hành trình phát triển đó, các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA với vai trò là những nhà lập pháp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN, đưa AIPA trở thành hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác nội khối.
Các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN ứng phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Kết quả của sự hợp tác đó là minh chứng rõ ràng cho cam kết của AIPA đối với việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Theo Điều lệ hàng năm, Đại hội đồng của AIPA họp một lần do Nghị viện một quốc gia thành viên đăng cai tổ chức tại nước mình, luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh của tên các nước thành viên.
Từ năm 1978 cho đến nay, AIPA đã có 44 kỳ họp Đại hội đồng được tổ chức. Tại mỗi kỳ Đại Hội đồng, AIPA đều có cuộc gặp gỡ với những đối tác đối thoại như Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Papua New Guinea, Nga, Ấn Độ và Nghị viện châu Âu…
Sự tham gia của các đối tác trên cùng với những chuyến thăm trao đổi đã giúp thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc gần gũi và hiểu biết hơn giữa các nghị sỹ.
Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động, trách nhiệm trong AIPA
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của AIPO vào ngày 19/9/1995. Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPA, Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong AIPA, đẩy mạnh sự hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực.
Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến tại các kỳ họp Ðại hội đồng cũng như tại các hoạt động trong khuôn khổ của AIPA. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm tư vấn AIPA tại nghị viện các nước thành viên để tư vấn về vấn đề hài hòa pháp luật, giám sát thực hiện nghị quyết của AIPA và tăng cường quan hệ giữa AIPA và ASEAN; sáng kiến mở rộng thành phần tham dự hội nghị có cả một số nước không phải là thành viên AIPA…
Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc 3 lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO-23 (ngày 8 đến 13/9/2002), Đại hội đồng AIPA-31 (ngày 19 đến 25/9/2010) và Đại hội đồng AIPA-41 (ngày 8 đến 10/9/2020).
Đáng chú ý, tại Đại hội đồng AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến quan trọng.
Một là, tổ chức Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA, với mong muốn tạo diễn đàn để các nghị sỹ trẻ có tiếng nói mạnh mẽ và đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực.
Hai là, kết nối, gắn kết hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Với sáng kiến này, Việt Nam mong muốn tạo diễn đàn mang tính thường niên của AIPA để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Ở chiều ngược lại, tham gia tích cực vào các hoạt động của AIPA, Việt Nam cũng thu nhận được nhiều kinh nghiệm bổ ích và lợi ích thiết thực, góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Cơ chế hợp tác liên nghị viện của AIPA cũng góp phần tăng cường hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam với các nghị sỹ của các nước, cũng như giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nói chung.
Cũng từ việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động của AIPA mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam có thêm cơ hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, công tác giám sát và hoạt động nghị viện, nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.
Thông qua các hoạt động của AIPA, Việt Nam còn có điều kiện góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giới thiệu những nét đặc sắc về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới.
AIPA 45: "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN” Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 45 (AIPA-45) diễn ra từ ngày 17 đến 23/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào ở thủ đô Vientiane (Lào) với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN.”
Đại hội đồng AIPA-45 diễn ra trong bối cảnh ASEAN tiếp tục dành ưu tiên cao củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng, nỗ lực hoàn tất các Kế hoạch tổng thể 2025. Cùng với đó, ASEAN xây dựng 4 Chiến lược hợp tác về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các định hướng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, hướng đến “ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.”
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, với chủ đề của năm là “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường,” nước chủ nhà Lào đã phát huy vai trò dẫn dắt, đưa vào triển khai các sáng kiến hợp tác trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo ông Sanya Praseuth, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào, Trưởng Tiểu ban Thư ký Quốc gia AIPA-45, các phái đoàn tham dự hội nghị lần này là các Chủ tịch Nghị viện các nước thành viên AIPA, đoàn đại biểu Nghị viện quan sát viên; Đối tác phát triển AIPA, Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký AIPA và đông đảo các đại biểu của Lào.
Đại hội đồng AIPA-45 lần này dự kiến bao gồm các hội nghị: Hội nghị Ban Chấp hành AIPA; Hội nghị Ủy ban Chính trị; Hội nghị Ủy ban Kinh tế; Hội nghị công tác xã hội; Hội nghị Ủy ban công tác tổ chức nội bộ; Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA; Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA; Hội nghị Ủy ban Tuyên bố chung; Hội nghị gặp gỡ giữa Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký ASEAN; Hội nghị gặp gỡ Nghị viện quan sát viên; Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA); Hội nghị Ban Thư ký quốc gia Nghị viện các nước thành viên AIPA; và Hội nghị Thư ký đoàn đại biểu các Nghị viện quan sát viên AIPA.
Các hội nghị lần này đi sâu nghiên cứu, trao đổi và dự kiến thông qua 38 văn kiện dự thảo nghị quyết, trong đó lĩnh vực chính trị có 4 văn kiện, kinh tế có 8 văn kiện, xã hội có 5 văn kiện, công tác phụ nữ 2 văn kiện, công tác thanh niên có 3 văn kiện và công tác tổ chức nội bộ có 16 văn kiện.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 đến 19/10/2024.
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; thúc đẩy các ưu tiên, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng thời khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA; ủng hộ Lào trên cương vị Chủ tịch AIPA; cùng các Nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; phát huy trách nhiệm, tiếng nói của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
AIPA-45 cũng là cơ hội để phía Việt Nam trao đổi thông tin và chia sẻ với nghị sỹ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển, về các hoạt động của nghị viện; xây dựng mối quan hệ hữu nghị với nghị sỹ các nước; thông tin, chia sẻ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như hoạt động của Quốc hội trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà, trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA-45, Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế, bao gồm: Nghị quyết về “Tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết về “Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN”; Nghị quyết về “Thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN”; Nghị quyết về “Nâng cao năng lực thể chế để kết nối giao thông, hàng không, cảng biển trong khu vực ASEAN."
Ngoài ra, đoàn Việt Nam cùng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 nghị quyết do Lào đề xuất, 1 nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất.
Cụ thể là tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối và phát triển hài hòa ASEAN thông qua hợp tác chính trị-an ninh; vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy huy động vốn xanh cho phát triển hạ tầng bền vững hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; thúc đẩy vai trò của Nghị viện trong đổi mới y tế thông minh; tăng cường sự quan tâm của các Nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, kết nối và hòa nhập; trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập; vai trò của Nghị viện trong việc hỗ trợ thực hiện ASEAN hướng đến thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm và lâm nghiệp./.
Ý kiến ()