Chủ nhật, 24/11/2024 21:41 [(GMT +7)]
Ai và lí do nào "đỡ tay" cho đề xuất của VFF?
Thứ 3, 25/10/2011 | 10:02:00 [(GMT +7)] A A
Sau khi chúng tôi đăng loạt 3 kỳ liên tiếp về chuyện VPF định hướng chuyển đổi từ Công ty cổ phần thành công ty TNHH, hôm qua những người trách nhiệm đã xuất hiện và nhiều người đã biết ý định này xuất phát từ đâu.
Cụ thể ở đây là kết quả thảo luận của Bộ TT-VH&DL với Tổng cục TDTT. Để giải thích cho việc chuyển đổi môi hình VPF từ Công ty cổ phần sang công ty TNHH, ông Vương Bích Thắng – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã nói: “… Bộ có ý kiến không nên xây dựng công ty tổ chức giải theo dạng cổ phần (CP) mà nên chuyển thành công ty TNHH vì đề phòng một số bất trắc có thể xảy ra sau này” (Báo Thanh Niên)
Bao giờ VFF mới chịu “sánh bước” cùng bóng đá Việt Nam? (Ảnh: Quang Minh) |
Những “bất trắc” được dẫn ra như: “Theo quy định của pháp luật VN cũng như quy định của FIFA, VFF chịu trách nhiệm trước Nhà nước quản lý các hoạt động của bóng đá VN và V-League hay giải hạng nhất thuộc quyền sở hữu chung của VFF. Nếu ở dạng CP, liệu chẳng may có thời điểm, VFF bị giảm CP hoặc không còn CP tại công ty nữa thì vai trò của VFF sẽ hoàn toàn bị “teo tóp”, thậm chí bị triệt tiêu và như vậy đã làm trái với luật pháp cũng như điều lệ FIFA”.
“Hoặc trong tương lai, giả dụ “bi kịch” xấu nhất là công ty bị phá sản thì nếu là CTCP sẽ để lại hậu quả lớn hơn so với công ty TNHH (chỉ chịu trách nhiệm trong khuôn khổ vốn pháp định ban đầu). Thêm nữa, khi huy động vốn, nếu là CTCP sẽ có quyền bán cổ phiếu ra ngoài và bất kỳ cổ đông nào cũng là chủ của DN. Như vậy việc quản lý công ty mang tính đặc thù là tổ chức giải đấu sẽ trở nên rất phức tạp, mang tính rủi ro rất cao”
Thực ra những chỉ dẫn rủi ro trên mà phía Tổng cục TDTT đưa ra chỉ “doạ” được những ai không hiểu rõ về luật hay mô hình, cơ cấu loại hình công ty hay FIFAchứ với dân kinh tế những lập luận này dễ dàng bị “bẻ gãy”.
Thứ nhất,ở đây có sự đánh tráo khái niệm. Nếu ở Công ty CP thì VFF với số vốn lớn nhất ở VPF nên vẫn giữ các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng cổ đông, Chủ tịch HĐQT nên về nguyên tắc luật VFF vẫn có tiếng nói mạnh nhất do vậy chẳng có gì trái với luật nhà nước Việt Nam hay luật FIFA. Do vậy khái niệm “V.League và giải hạng Nhất là sỡ hữu chung của VFF” giải thích là mơ hồ và không thoả đáng trên tinh thần luật. Chính xác V.League là sở hữu của 14 CLB và VFF mà trong đó VFF là cổ đông lớn nhất của VPF.
Thứ hai, về bi kịch là công ty phá sản. Đầu tiên phải khẳng định rằng bất cứ doanh nghiệp, công ty nào trên thế giới đều phải chịu nguy cơ phá sản chứ không riêng gì VPF. Nên nhớ những tập đoàn trị giá hàng chục tỷ USD hay cả những quốc gia như Mỹ vẫn có khả năng phá sản. Kế tiếp, không có một căn cứ nào để kết luận rằng hậu quả phá sản của công ty TNHH là nhỏ hơn công ty CP. Hậu quả lớn nhỏ nằm ở năng lực điều hành và kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải nằm ở mô hình công ty CP hay công ty TNHH. Do đó, cũng không có căn cứ nào để kết luận VPF có chức năng tổ chức giải đấu sẽ phức tạp và nhiều rủi ro bởi nó là “công ty CP”.
Thực ra, chung quy của những “Kính thưa các loại sợ !” mà Tổng cục TDTT nêu lên cũng chỉ đi đến mục đích cuối cùng mà chúng tôi đã phân tích là với công ty TNHH thì VFF sẽ giữ lại được quyền lực, miếng bánh của mình cao hơn ở công ty CP. Và lâu nay, người ta cũng đều biết bóng đá chính là “đứa con thành đạt” nhất của Tổng cục TDTT (Uỷ Ban TDTT trước đây).
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()