Ai "quản" chất lượng xăng dầu?
Chất lượng xăng dầu có vai trò quyết định hiệu suất và tuổi thọ động cơ, đồng thời tác động không nhỏ tới môi trường. Tuy nhiên, bằng trực quan, người tiêu dùng khó có thể biết được tình trạng gian lận đo lường, gian lận chất lượng thế nào. Mở bình xăng hay nắp can ra, xăng dầu được rót trực tiếp từ cột bơm vào, người tiêu dùng cứ theo số trả tiền.
Khi không thể kiểm soát chất lượng, định lượng xăng dầu thì điểm tựa duy nhất của họ chính là sự trung thực của người bán hàng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cửa hàng xăng dầu có hành vi gian lận, và một thực tế khác, dù các cơ quan chức năng đi kiểm tra, xử phạt, nhưng rất ít khi kết quả kiểm tra được công bố công khai, rõ ràng tên, địa chỉ cây xăng vi phạm để người tiêu dùng biết và đề phòng. Có vẻ như từ trước tới giờ, tâm lý của người tiêu dùng thường quan tâm tới yếu tố “giá” mà ít khi để ý tới hành vi gian lận chất lượng, một kiểu “móc túi” trắng trợn và để lại nhiều hệ lụy khó lường. Theo tính toán, nếu pha 15-20% mê-ta-nôn vào xăng không chì A92, người bán xăng có thể lời tới vài nghìn đồng/lít.
Hàng loạt các vụ cháy xe máy, ô-tô xảy ra trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ chất lượng xăng dầu “có vấn đề”, nhiều mẫu xăng qua kiểm định đã phát hiện có chứa nước, pha mê-ta-nôn, xăng không đạt chỉ số ốc-tan như công bố,… Hiện nay, “đầu vào” xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối đến tổng đại lý hoặc đại lý rất chặt chẽ, nhưng “đầu ra” từ đại lý đến người tiêu dùng lại quá lỏng. Các doanh nghiệp đầu mối hiện nay “quản” không xuể các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chỉ bảo đảm chất lượng đối với các cửa hàng trực thuộc, còn các đại lý thì… chịu. Ai dám chắc tại các cửa hàng này, không có tình trạng mua nguồn xăng dầu trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, chất lượng kém để trục lợi? Khi xăng đã được đổ xuống bồn của đại lý, gần như “thả nổi” cho đại lý muốn làm gì thì làm, pha với mê-tanôn, a-xê-tôn hoặc bất cứ dung môi hóa chất nào có thể hòa tan với xăng, tùy thích. Với dung tích bồn chứa vài chục nghìn lít, thông thường một cây xăng có thể bán hết veo trong vòng một tuần, vì thế việc kiểm soát chất lượng càng khó khăn. Hơn nữa, mỗi đại lý lại lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau, về đổ chung vào một bồn, kể cả có phát hiện xăng dầu kém chất lượng cũng không biết ai là “thủ phạm” để quy trách nhiệm.
Từ ngày 1-11, Nghị định 83/2014/NĐCP về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực thi hành. Theo quy định, thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu phải chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu bán ra trên thị trường; chịu trách nhiệm giám sát, quản lý về đo lường, chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển từ nơi xuất đến nơi nhận; có nghĩa vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình,… Các đại lý bán lẻ xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định; phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng,…
Có thể thấy, tuy đã có quy định khá chặt chẽ về đo lường, chất lượng, song cách quản lý việc phân phối của các đại lý, tổng đại lý hiện nay, vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, mà tự thân họ quản không xuể. Vì vậy, khi mua xăng dầu, số lượng ra sao, chất lượng thế nào, người tiêu dùng đành chỉ biết dựa vào “niềm tin” mà thôi!
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()