"Ai nói Uyên Linh không xứng đáng, hãy xem lại mình"
Tùng Dương – người vừa nhận giải Cống Hiến đã nói như vậy về “đối thủ” Uyên Linh.
Nhắc đến Tùng Dương là nhắc đến những trạng thái tình cảm phân cực rõ ràng từ phía khán giả: Yêu rất nồng đậm, mà ghét thì đến mức xúc đất đổ đi. Giải thưởng Cống hiến mà anh vừa nhận “cú đúp” vừa qua cũng vậy. Người yêu nói anh quá xứng đáng, kẻ ghét thì phán anh là kẻ… “quái thai”… lắng nghe hết và cũng chỉ cười bỏ qua bởi anh chàng ca sỹ này hiểu rõ con đường đang đi, lựa chọn được và mất.
Âm nhạc giải trí đơn thuần sẽ không đi được xa
Một câu hỏi đơn giản để bắt đầu nhé: Với anh, từ Cống hiến có nghĩa là gì?
Với tôi, đơn giản là sự ghi nhận lại tất cả sự sáng tạo trong âm nhạc và nghệ thuật mà người trong cuộc đã vượt qua, đã chiến thắng được chính bản thân họ, điều mà trước đó chính những người trong cuộc cảm thấy không thể. Quan trọng hơn, sự cống hiến đó được nhà báo và khán giả ghi nhận như thế nào.
|
Ca sĩ Tùng Dương |
Chiểu theo những gì anh nói thì Uyên Linh hoàn toàn không cống hiến gì hết: cô ấy xuất thân từ một cuộc thi hát, hát lại những ca khúc cũ và thời gian lại quá ngắn… Đó cũng là ý kiến chung của mọi người, anh có nghe?
Uyên Linh đã được phát hiện ra để cống hiến cho khán giả, đó cũng là một điều đáng ghi nhận đó chứ. Mỗi người có một sự cống hiến khác nhau và ai nói Uyên Linh không xứng đáng hãy xem lại bản thân mình. Trong đó có cả anh nữa, bởi tôi có cảm giác như anh không ưa cô ấy thì phải?
Ồ, không, tôi quý cô ấy ở góc độ một khán giả và tôi chỉ nêu lại ý kiến số đông cũng như “phản biện” anh từ chính lập luận của anh mà thôi. Vậy, anh đã “cống hiến” gì cho bản thân mình?
Tôi chẳng bao giờ băn khoăn về điều đó bởi nếu lúc nào cũng nghĩ mình đã làm được gì cho bản thân thì sẽ chẳng bao giờ tiến xa được, sẽ chẳng bao giờ có tâm trạng để sáng tạo, để phục vụ nghệ thuật lẫn khán giả.
Với một người nghệ sĩ có một “nhân diện” không lẫn vào đám đông như anh thì mỗi khi đứng trước một thử thách, một lựa chọn mới, anh nghĩ đến ai, hát cho ai? Chắc lại là “sáng tạo vì khán giả” đúng không?
Tôi đâu có vỗ ngực vậy đâu, tôi chỉ nói điều tôi nghĩ thôi mà. Một cách thật lòng thì tôi hát vì tôi muốn, tôi cần được hát, vậy thôi. Tôi hát vì bản ngã của mình, hát những điều tôi muốn và nếu bắt tôi phải hát những thứ không thuộc đam mê thì tôi không hát và cũng chẳng có cảm xúc mà hát.
Nhìn từ hiện tượng Tùng Dương, tôi thấy có những khán giả thích “làm sang” họ bằng cách “cố” nghe nhạc của anh để rồi sau đó không hiểu/ cảm thì quay ra chửi rủa, gọi anh là “quái thai”. Nó giống như những người bụng yếu nhưng vẫn cố ăn sushi cho “sang trọng” để rồi về đau bụng lại kêu lỗi tại thức ăn. Vậy lỗi đó thuộc về ai? Người ăn hay sushi?
Nó là sự cực đoan không cần thiết, khán giả cũng là người thưởng thức. Thị trường âm nhạc vẫn phát triển và phát triển nhiều hơn và ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Không thể trách khán giả không nghe được nhạc của tôi hay bởi vì tôi làm quá cao siêu. Công chúng luôn có sự lựa chọn phù hợp với gu thẩm mỹ của họ. Đó là chuyện hết sức bình thường, không thích có thể tắt đài hay tivi. Tôi vẫn sẽ làm những điều mình muốn làm.
Ở nước ngoài tính đương đại trong nghệ thuật họ tiến xa lắm rồi. Đó có thể là những điều họ không thể hiện được bằng lời thì họ kể bằng âm nhạc. Tất nhiên để làm được điều đó phải phụ thuộc vào nền tảng triết học của từng cá nhân và đó là giá trị đích thực của Triết học trong cuộc sống. Tương tự như vậy là trong hội họa, nếu không có tư tưởng chẳng ai đánh giá cao cả. Âm nhạc nếu chỉ mang tính giải trí đơn thuần sẽ không đi được xa mặc dù nó vẫn tồn tại. Tôi đề cao tính tư tưởng và xác định rằng nhạc của Tùng Dương không phải thể loại lúc nào cũng có thể nghe được, không phải vui hay buồn đều mang những ca khúc của tôi ra nghe, phải có bối cảnh và không gian, cảm xúc phù hợp.
“Uyên Linh đã được phát hiện ra để cống hiến cho khán giả, đó cũng là một điều đáng ghi nhận đó chứ”. |
Tôi không cực đoan khi nói mình cô độc
Tôi thấy khán giả đón nhận Tùng Dương cũng giống như với Phan Đăng Di vậy. Lúc chưa có thì háo hức, lúc có rồi thì quay ra rủa xả với đủ những câu chữ hàm hồ. Tìm được đồng minh như Phan Đăng Di, anh có thấy mình bớt lẻ loi và được an ủi?
Tôi chưa xem Bi, Đừng Sợ nên sẽ không dám nhận xét. Chỉ xin trích lời của Hà Trần sau khi nghe xong Liti của tôi đã nói “Dương sẽ là người cô độc ở Việt Nam và cần thời gian để khán giả thẩm thấu”. Giá trị của một sản phẩm không phải là những cái vỗ ngực tự sướng thật to mà là điều khán giả cảm nhận và đánh giá.
Tôi không cực đoan khi nói mình cô độc bởi nói gì thì nói, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả thế giới, tính đương đại cũng bị công chúng đón nhận dè dặt hơn thói quen thông thường. Người nghệ sĩ buộc phải đối đầu với sự cô đơn, không chỉ trong âm nhạc mà trong nghệ thuật nói chung. Nhưng điều đáng nói là nếu như đó không thuộc gu thẩm mỹ của bạn thì cũng đừng vì thế mà không công nhận hoặc phủ nhận tài năng của những người nghệ sĩ như vậy.
Có vẻ anh thất vọng về thẩm mỹ của đám đông nhiều lắm?
Không hề có chuyện đó. Thông qua một vài tiếp xúc từ trực tiếp tới qua mạng internet, tôi thấy đại bộ phận giới trẻ giờ có gu nghe nhạc lắm. Những gì họ chia sẻ chứng tỏ họ ham học hỏi, chịu tiếp nhận, khách quan và khả quan hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn bị xáo trộn và chưa thực sự đồng đều. Thời gian sẽ sắp xếp lại trật tự.
Ngay đến như phim đoạt giải Oscar đâu phải ai cũng xem được nhưng đã được công chiếu nhiều người rạp tại Việt Nam cũng là một tín hiệu đáng mừng đó chứ. Tôi chỉ trách những người lí thuyết đầy mình nhưng thiếu đi thực tế giao tiếp. Có những bạn trẻ ít đọc sách nhưng họ chịu khó đi, chịu khó tìm tòi. Sự va đập, kinh nghiệm thực tế sau những chuyến đi bổ ích hơn rất nhiều chuyện ngồi nhà đọc sách, bởi điều đó “con mọt sách” làm tốt hơn một con người.
Tùng Dương biểu diễn tại đêm trao giải Cống hiến. Ảnh: A.K. |
Diva và Divo cũng chỉ là danh hiệu
Với cá nhân Tùng Dương, “danh” có vẻ như không song hành cùng “lợi”?
Tôi coi đó là số phận của mình. Tôi không quá bi quan bởi vì mỗi nghề mang lại một cái mà mình muốn. Ai chẳng muốn danh, lợi, tài chính mạnh, tiền nhiều. Đôi khi nó không song hành, đó cũng là một sự hi sinh cho nghệ thuật. Bạn có niềm tin để làm nghề, điều đó sẽ được đánh giá cao hơn. Sự nhất thời luôn mang lại cho những thứ khiến bạn bị ngợp mà cuộc sống thì còn rất dài. Nếu bạn coi trọng sự nghiệp, từng sản phẩm làm ra đều có tư tưởng rõ ràng thì “Danh” đó vẫn còn tồn tại trong lòng công chúng và đó mới thực sự là “Lợi”.
Ai cũng có một con đường và lựa chọn. Tất nhiên là nếu không có tài chính thì không làm được, do đó tôi vẫn phải hát những cái gần với số đông công chúng để kiếm tiền. Như liveshow Yêu hát với Thanh Lam chẳng hạn. Đó là show diễn hát lại những ca khúc đã đi theo năm tháng nhưng với cách hát mới của một thế hệ mới, đương đại hơn và cũng phá cách hơn. Tôi gọi đó là sự sáng tạo trong những giá trị cũ.
Vậy mà tôi cứ đinh ninh anh không chịu thỏa hiệp cơ đấy?
Không hoàn toàn là thỏa hiệp. Hát cái gì gần với số đông công chúng nhưng vẫn phải nâng cao nó hơn. Cách hát với cách biểu đạt riêng, sự làm mới của chính những thế hệ đương đại. Tôi lấy ví dụ ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau đã qua bao nhiêu danh ca thể hiện nhưng tôi vẫn hát lại với một hương sắc mới qua bản phối dữ dội có âm điệu của Rock ballard. Nghe rất là dữ dội, mang hơi thở thời đại hơn rất nhiều.
Tình yêu giờ khác nhau, hối hả và thiết thực. Âm nhạc phải có cảm hứng. Người trước truyền cho người sau, và biết đâu Tùng Dương lại truyền cho người sau nữa. Đừng nói âm nhạc của tôi không đến được với số đông khán giả nhé! Tôi thấy Con Cò, Ôi Quê Tôi, Quê Nhà, Trăng Khát, Cỏ Và Mưa vẫn hát đầy rẫy trong các cuộc thi đấy thôi.
Đức Tuấn đã tự phong mình là Divo, vậy bao giờ thì đến lượt Tùng Dương?
Tôi muốn mình được ghi nhận như một nghệ sĩ đương đại hơn là một Divo. Nội điều đó đã là một cái gì xa tầm với rồi. Với một nghệ sĩ đương đại thì trọng trách lớn và sự sáng tạo luôn luôn mới, cả đời là thử nghiệm. Diva và Divo cũng chỉ là danh hiệu. Chẳng phải Hà Trần cũng từng tâm sự rằng Diva là do khán giả đặt chị ngồi và chị phải cố ngồi cho vừa chứ chưa từng cố gắng vì điều đó.
Tùng Dương và đàn chị Thanh Lam |
Anh nhắc nhiều đến Hà Trần trong câu chuyện, vậy đó có phải người nghệ sĩ ảnh hưởng nhiều nhất đến anh?
Không, hoàn toàn không. Hà Trần với tôi là một người bạn thân. Chị cũng là người đi trước và hai chị em có hai con đường đi giống nhau, dù không hoàn toàn, Hà lạnh còn Dương nóng, vậy nên tôi học hỏi ở đàn chị là đương nhiên. Tôi không chịu ảnh hưởng của ai cả, chỉ là lấy cảm hứng để học hỏi như từ Bjork, Thanh Lam, Hà Trần… Con đường mỗi người lựa chọn để đi là hoàn toàn khác nhau.
Xin cảm ơn anh!
Ý kiến ()