Ai Cập triển khai dự án đào kênh Suez mới
Ngày 18/10, Chính phủ Ai Cập đã ký hợp đồng với 6 công ty quốc tế về việc đào kênh Suez (Xuy-ê) mới, một trong các dự án lớn của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi (Áp-đen Pha-ta En Xi-xi) nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này sau hơn 3 năm bất ổn chính trị.
Lễ khởi công dự án kênh đào mới dọc theo kênh Suez. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở nội các cùng Thủ tướng Ibrahim Mahlab (I-bra-him Ma-hơ-láp), người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, Trung tướng Mohab Memish (Mô-háp Mê-mít) cho biết các công ty nói trên gồm một công ty thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hai công ty của Hà Lan, hai công ty của Bỉ và một công ty của Mỹ.
Cũng theo ông Memish, 6 công ty này sẽ tham gia đào kênh tại 5 khu vực, trong khi khu vực còn lại sẽ do các công ty của Ai Cập đảm nhận. Dự kiến, dự án đào kênh Suez mới với tổng kinh phí 4 tỷ USD sẽ chính thức được khởi động trong tuần này và hoàn thành vào tháng 8/2015 trong một kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống el-Sisi. Vào đầu tháng 8 vừa qua, quân đội Ai Cập đã bắt đầu huy động máy móc và tập trung nhân lực để đào kênh ngay khi dự án được công bố.
Kênh Suez mới có tổng chiều dài 72 km, chạy song song với tuyến kênh hiện hữu. Theo tính toán ban đầu, sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động, kênh đào mới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp 4 lần lưu lượng vận chuyển container. Ai Cập kỳ vọng nâng doanh thu từ kênh Suez lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023. Bên cạnh việc mở rộng cảng Suez và hệ thống cơ sở vận chuyển hàng hóa, dự án còn hướng tới việc nâng cao vị thế quốc tế của Ai Cập trong vai trò là trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn của thế giới, thông qua việc phát triển khu vực hành lang có tổng diện tích hơn 76.000 km 2nằm dọc tuyến đường thủy chiến lược này.
Chính thức mở cửa từ năm 1869, kênh đào Suez hiện tại dài 163 km, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi-Trung Đông. Nằm trên tuyến giao thương quốc tế lớn, kênh Suez là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập bên cạnh du lịch, xuất khẩu dầu khí và kiều hối. Mỗi năm, ước tính khoảng 7,5% khối lượng mậu dịch thế giới qua đường biển được chuyển qua kênh đào Suez, mang lại cho Ai Cập hơn 5 tỷ USD, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu ngoại tệ của đất nước.
Trước đó, hồi tháng 5/2013, chính quyền của cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi (Mô-ha-mét Mo-xi) đã công bố sáng kiến Hành lang kênh đào Suez (SCC), trong đó tập trung phát triển 3 tỉnh nằm dọc tuyến đường thủy chiến lược này là Suez, Ismailia (Ix-mai-li-a) và Port Said (Pót Xa-ít). SCC bao gồm nhiều dự án quy mô lớn, được kỳ vọng thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra một triệu cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Theo CPV
Ý kiến ()