Ai Cập triển khai các sáng kiến an sinh
Là một trong những quốc gia kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 ở khu vực, Ai Cập đang cố gắng khắc phục sự gián đoạn của hoạt động kinh tế do dịch bệnh gây ra bằng cách áp dụng các biện pháp chủ động ứng phó, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Quốc gia này đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua. Các biện pháp phòng ngừa và ứng phó mà Cai-rô đã triển khai kể từ khi làn sóng Covid-19 đầu tiên bùng phát, cùng với sự thành công của chương trình cải cách kinh tế đã giúp đưa Ai Cập trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020 và vượt qua khủng hoảng với tổn thất ít nhất. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Ai Cập trong năm tài chính 2020 – 2021 lên 2,8%. Quốc gia Bắc Phi đứng trước triển vọng trở thành một trong những quốc gia đạt mức tăng trưởng dương (khoảng 1,5%) vào năm 2021. Ai Cập được dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi trong tất cả các lĩnh vực, trừ du lịch, vốn cần thêm thời gian để trở lại mức tăng trưởng như giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những rủi ro có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ai Cập, trong đó có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nhằm cải thiện an sinh xã hội, Thủ tướng Ai Cập M.Ma-bu-li đã phân bổ 500 tỷ bảng Ai Cập (32 tỷ USD) cho sáng kiến “Cuộc sống ổn định” và các dự án có liên quan, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch gây áp lực đối với ngân sách nhà nước. Những dự án của sáng kiến này hướng tới mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các ngôi làng Ai Cập, cải thiện chất lượng sống cho người dân, tạo cơ hội việc làm, giảm tác động của dịch Covid-19 đối với những người dễ bị tổn thương và cho phép họ tiếp cận các nhu cầu và dịch vụ cơ bản. Đến nay, Ai Cập đã phân bổ 50 tỷ bảng (3,2 tỷ USD) để hỗ trợ bất động sản cho tầng lớp thu nhập thấp và trung bình, cũng như dành 20 tỷ bảng (1,27 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ai Cập còn triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy khu vực tư nhân cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu chiến lược của nước này là trở thành một trung tâm năng lượng và khu vực tư nhân có tiềm năng để khai thác các cơ hội quan trọng này. Người đứng đầu Chính phủ Ai Cập khẳng định, quốc gia Bắc Phi này dựa vào khu vực tư nhân để nâng cao tăng trưởng thông qua đầu tư vào các dự án và sáng kiến của chính phủ; đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy đầu tư vào các dự án của các sáng kiến.
Chính phủ Ai Cập đã khởi động giai đoạn hai của sáng kiến hỗ trợ các công ty xuất khẩu. Mục tiêu của sáng kiến nhằm giải ngân hỗ trợ các công ty xuất khẩu từ Quỹ Phát triển xuất khẩu (EDF) trước khi kết thúc tài khóa 2020 – 2021 (cuối tháng 6-2021). Sáng kiến này góp phần cung cấp thanh khoản tiền mặt, cho phép các công ty xuất khẩu đáp ứng nghĩa vụ tài chính, duy trì lực lượng lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế, nhất là trước những tác động nghiêm trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu của Ai Cập do ảnh hưởng từ đại dịch. Trong giai đoạn đầu của sáng kiến, Chính phủ Ai Cập đã hỗ trợ hoàn tiền mặt đối với các khoản nợ của doanh nghiệp xuất khẩu trước khi kết thúc năm 2020. Việc làm này đã nhận được sự phối hợp của hệ thống ngân hàng, nhất là các khoản bảo lãnh từ Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE). Ước tính, 1.069 công ty xuất khẩu đã được hưởng lợi trong giai đoạn một với tổng số tiền giải ngân là 13,5 tỷ bảng Ai Cập (862 triệu USD).
Tăng trưởng GDP trong tài khóa 2021 – 2022 sẽ giúp duy trì đà giảm của nợ công cũng như bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đó cũng chính là mục tiêu mà đất nước “Kim tự tháp” đang nỗ lực đạt được thông qua các sáng kiến về an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()