Ai Cập sẽ đối phó mọi tình huống liên quan Đập thủy điện Đại phục hưng
Đập thủy điện Đại phục hưng là đập thủy điện có quy mô lớn, do đó Ai Cập muốn đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Ethiopia nhằm đảm bảo lợi ích của các bên.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập Mohamed Abdel-Aty ngày 26/2 cho biết nước này sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Ai Cập sẽ không cho phép một khủng hoảng nước xảy ra.
Ông Abdel-Aty nói rằng Chính phủ Ai Cập đang thúc đẩy một số giải pháp chính trị và pháp lý liên quan đến GERD.
Theo Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập, GERD là đập thủy điện có quy mô lớn, do đó Ai Cập muốn đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Ethiopia nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, thay vì hành động đơn phương.
Ngày 20/2, Ethiopia thông báo bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD, bất chấp sự phản đối của các quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed chính thức khai mạc buổi lễ phát điện từ tuabin đầu tiên của GERD.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố chỉ trích hành động đơn phương của Ethiopia, gọi đây là hành vi phạm vi các cam kết theo Tuyên bố Nguyên tắc năm 2015 mà Thủ tướng Ethiopia đã ký kết.
Ngày 25/2, Ai Cập cũng đã gửi thư kiến nghị đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi Ethiopia thông báo bắt đầu phát điện từ GERD.
Trong văn bản kiến nghị có tựa đề “Hòa bình và An ninh ở châu Phi,” Cairo cho rằng động thái mới nhất của Ethiopia vi phạm Tuyên bố Nguyên tắc năm 2025 giữa các bên.
Các cuộc đàm phán về GERD đã chính thức dừng lại từ tháng 4/2021, sau khi Ai Cập, Sudan và Ethiopia không đạt được tiếng nói chung trước khi Ethiopia bắt đầu tiến hành đợt trữ nước lần hai vào tháng 7/2021.
Cairo và Khartoum đã phản đối việc Ethiopia cố tình tiến hành trữ nước cho đập mà không có bất kỳ thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý nào liên quan đến việc trữ nước và vận hành GERD.
Là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nước ngọt từ sông Nile, Ai Cập lo ngại GERD sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp nước của nước này.
Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp để bảo vệ các nước hạ nguồn trong trường hợp xảy ra hạn hán do quá trình trữ nước cho đập gây ra.
Ai Cập và Sudan nêu rõ họ muốn có một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý, trong khi Ethiopia nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ nên mang tính tư vấn.
Cairo và Khartoum coi GERD là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước quan trọng của họ, trong khi Ethiopia coi con đập này là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng gấp đôi sản lượng điện.
GERD là dự án thủy điện lớn nhất ở châu Phi, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ USD. Dự án bắt đầu được triển khai vào năm 2011./.
Ý kiến ()