Ai Cập rối bời trong chia rẽ
Hôm nay (15-12), Ai Cập tiến hành đợt đầu cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới trong bối cảnh đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ. Lực lượng đối lập cáo buộc bản dự thảo văn kiện quan trọng này chỉ phục vụ lợi ích của tổ chức Anh em Hồi giáo, và lấy đi thành quả "cuộc cách mạng" mà họ tiến hành cách đây hai năm.Cơn bão chính trị bùng lên ở Ai Cập kể từ sau khi Tổng thống M.Mo-xi ra Tuyên bố Hiến pháp bị cáo buộc là nhằm thâu tóm quyền lực. Với mục tiêu nhanh chóng xóa bỏ mọi tàn dư của chính quyền cũ, dựng nên một chính quyền mới với quyền lực tập trung trong tay Anh em Hồi giáo, Tổng thống Mo-xi đã vội vã tiến hành hàng loạt thay đổi Hiến pháp nhằm giành "quyền lực tối cao". Tuy nhiên, động thái này của ông Mo-xi đã vấp phản sự phản ứng mạnh mẽ của phe đối lập. Trong suốt mấy tuần qua, biểu tình lan rộng, biến thành bạo loạn. Người biểu tình cho rằng, "cuộc cách mạng" mà họ tiến hành...
Cơn bão chính trị bùng lên ở Ai Cập kể từ sau khi Tổng thống M.Mo-xi ra Tuyên bố Hiến pháp bị cáo buộc là nhằm thâu tóm quyền lực. Với mục tiêu nhanh chóng xóa bỏ mọi tàn dư của chính quyền cũ, dựng nên một chính quyền mới với quyền lực tập trung trong tay Anh em Hồi giáo, Tổng thống Mo-xi đã vội vã tiến hành hàng loạt thay đổi Hiến pháp nhằm giành “quyền lực tối cao”. Tuy nhiên, động thái này của ông Mo-xi đã vấp phản sự phản ứng mạnh mẽ của phe đối lập. Trong suốt mấy tuần qua, biểu tình lan rộng, biến thành bạo loạn. Người biểu tình cho rằng, “cuộc cách mạng” mà họ tiến hành cách đây hai năm lật đổ chính quyền Mu-ba-rắc không còn được coi là thành công, bởi chính nó lại đem đến một nhà độc tài mới. Trước sức ép của phe đối lập và sau khi quân đội vào cuộc, Tổng thống Mo-xi buộc phải ra điều chỉnh Tuyên bố Hiến pháp, trong đó ngậm ngùi gạt bỏ một số đặc quyền của Tổng thống.
Mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo và các đảng thế tục ngày càng gay gắt, đẩy Ai Cập vào vực sâu chia rẽ. Ai Cập rối bời bởi hai làn sóng biểu tình chống đối và ủng hộ Tổng thống Mo-xi. Cuộc đối thoại dân tộc do quân đội kêu gọi đã thất bại do sự bất đồng giữa các phe phái không thể thu hẹp. Bản thân phe đối lập cũng chưa thống nhất quan điểm. Một số đảng phái kiên quyết tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân, trong khi một số khác tuyên bố tham gia để quyết tâm nói “không” với văn bản này. Phe đối lập phản đối là bởi dự thảo Hiến pháp được QH (nơi phần lớn số ghế thuộc về Tổ chức Anh em Hồi giáo) thông qua. Dự thảo văn kiện đi ngược lại các mục tiêu của “cuộc cách mạng” và chỉ đại diện cho các lực lượng Hồi giáo. Lá phiếu “chống” cũng nhằm bày tỏ thái độ phản ứng gay gắt hơn đối với cách thức quản lý đất nước của tổ chức Anh em Hồi giáo.
Trước tình hình bất ổn leo thang nghiêm trọng, Tổng thống Ai Cập buộc phải nhờ cậy quân đội. Tổng thống M.Mo-xi ban hành sắc lệnh mới trao cho quân đội quyền bắt giữ, đồng thời chỉ thị quân đội hợp tác với cảnh sát
cho đến thời điểm công bố kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Động thái này của Tổng thống đồng nghĩa với việc thừa nhận vai trò của quân đội, lực lượng đã bị ông gạt sang bên lề ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 6. Theo các nhà phân tích, nếu các bên không đạt được giải pháp, nhiều khả năng quân đội sẽ vào cuộc và trở lại kiểm soát chính trường.
Ai Cập đã trải qua quá nhiều sóng gió kể từ khi làn sóng “Mùa xuân A-rập” ùa tới khu vực Trung Đông, Bắc Phi. “Cuộc cách mạng” lật đổ chế độ Mu-ba-rắc đã không đem lại những thành quả như họ mong muốn. Dù dưới sự cầm quyền của quân đội trước đây hay một tổng thống thuộc phe Hồi giáo hiện nay, người dân Ai Cập vẫn chưa thật sự tìm thấy “luồng gió dân chủ” như lời hứa của những người phát động các cuộc biểu tình cách đây hai năm. Biểu tình, bạo loạn, bất ổn đã gây thiệt hại nặng nề nền kinh tế đất nước.
Cho dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân như thế nào thì cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ai Cập đang làm chia rẽ đất nước. Những nhượng bộ của Tổng thống Mo-xi chưa đủ xoa dịu sự giận dữ của lực lượng đối lập. Theo các nhà phân tích, nếu các phe phái chính trị ở Ai Cập không thể tiến hành đối thoại dân tộc, đất nước Bắc Phi này sẽ khó có thể thoát khỏi “mớ bòng bong” mâu thuẫn và chia rẽ. Cuộc khủng hoảng chính trị chưa tới hồi kết và người dân đất nước Kim tự tháp chưa thể xóa đi lo ngại “những ngày đen tối” trở lại Ai Cập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()