Ai Cập chú trọng nội địa hóa trong công nghiệp quốc phòng
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, Ai Cập ngày càng chú trọng nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có của mình, Ai Cập được cho là đang đàm phán hợp tác sản xuất chung với một số quốc gia nhằm đạt mục tiêu nói trên.
Theo bài viết, chuyến thăm Ai Cập hồi tháng 9 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh là tín hiệu mới nhất về việc làm sâu sắc hợp tác quốc phòng giữa New Delhi và Cairo, là bước tạo đà cho việc tiến tới một thỏa thuận tiềm năng về hợp tác sản xuất chung các máy bay chiến đấu hạng nhẹ giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Ai Cập Mohamed Zaki đã ký bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohamed Zaki (bên phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh tại Cairo, tháng 9-2022. Ảnh: PTI |
Cam kết được đưa ra vài tháng sau khi truyền thông Ấn Độ và Ai Cập đưa tin hồi cuối tháng 6-2022 rằng Ấn Độ đã đề xuất xây dựng các cơ sở sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mk-1A (do tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ phát triển) tại Ai Cập. Tuy nhiên, cả phía Chính phủ Ai Cập và Ấn Độ cũng như tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited đều không bình luận về thông tin này. “Hiện Ai Cập và Ấn Độ đang đàm phán việc hợp tác sản xuất chung máy bay Tejas Mk-1A tại Ai Cập. Chắc chắn hai bên sẽ đánh giá và nghiên cứu về cơ sở hạ tầng tiên tiến phục vụ cho việc này.
Ai Cập đã có sẵn cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất máy bay từ đầu thập niên 1950. Tôi cho rằng tại Triển lãm Quốc phòng Ai Cập (EDEX) 2023, kết quả các cuộc đàm phán này sẽ được công bố chính thức”, chuyên gia Ahmad Eliba thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Ai Cập có trụ sở tại Cairo cho biết.
Không chỉ là các máy bay chiến đấu hạng nhẹ, giới phân tích cho rằng một khi một thỏa thuận như vậy được ký kết, Ai Cập có thể giành được thứ giá trị hơn, đó là kiến thức sản xuất tiên tiến. “Ai Cập đang nỗ lực không chỉ đa dạng hóa các lựa chọn mua sắm mà còn nội địa hóa sản xuất với mục tiêu phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng trong nước.
Ai Cập muốn trở thành một cường quốc tầm trung xét về phương diện phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng nội địa và tự chủ. Điều này sẽ cho phép Cairo chống chịu trước sự cạnh tranh giữa các cường quốc”, chuyên gia Mohammed Soliman thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhấn mạnh.
Trang mạng Breaking Defense cho rằng, nếu Ai Cập và Ấn Độ đạt thỏa thuận về hợp tác sản xuất chung máy bay Tejas Mk-1A thì cũng không có gì ngạc nhiên bởi đó sẽ không phải là lần hợp tác quốc phòng đầu tiên giữa hai nước. Các phi công Ai Cập thường do phía không quân Ấn Độ đào tạo và hai bên đã liên doanh sản xuất máy bay tiêm kích Helwan HA-300 từ năm 1960.
Tháng 8-2006, Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Ai Cập về hợp tác quốc phòng được thành lập và cho đến nay đã tiến hành họp 5 lần. Theo chuyên gia Ahmad Eliba, Ai Cập thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Ấn Độ vì Cairo muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí cũng như khả năng chuyển giao công nghệ trong khi New Delhi có ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến.
“Tôi cho rằng Ai Cập-vốn đã hợp tác sản xuất chung với Pháp, Italy và Đức trong lĩnh vực hàng hải; với Hàn Quốc, Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về các thiết bị bay không người lái (UAV)-có xu hướng đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong hợp tác sản xuất chung. Hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên. Với Ấn Độ, Ai Cập chính là cửa ngõ tiến vào các thị trường quốc phòng Trung Đông và Bắc Phi. Những triển lãm quốc phòng như EDEX sẽ rất quan trọng với máy bay Tejas Mk-1A, nhất là nếu việc sản xuất lại diễn ra tại Ai Cập”, chuyên gia Ahmad Eliba nhận định.
Theo trang mạng Breaking Defense, Ấn Độ hiện không phải là quốc gia duy nhất muốn ký thỏa thuận hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu với Ai Cập. Hồi tháng 8 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Seoul đã đề nghị hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 tại Ai Cập-vốn đã ký thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD để mua các pháo tự hành K9 Thunder-phương tiện quân sự mặt đất đắt hàng nhất của Hàn Quốc hồi đầu năm nay.
Theo nhiều nguồn tin, Seoul và Cairo hiện đang tiến hành thảo luận về khả năng hợp tác này. Không quân Ai Cập hiện đang sở hữu nhiều loại máy bay chiến đấu có xuất xứ khác nhau như: F-16 (Mỹ), Mirage (Pháp), Rafale (Pháp).
Ý kiến ()