Ai Cập: Căng thẳng lại càng gia tăng trước giờ "G"
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tình hình tại Ai Cập đang nóng lên từng giờ trước giờ nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn và kéo dài của phe đối lập, dự kiến bắt đầu vào chiều 30/6, nhân kỷ niệm một năm Tổng thống Mohamed Morsi lên cầm quyền.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tình hình tại Ai Cập đang nóng lên từng giờ trước giờ nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn và kéo dài của phe đối lập, dự kiến bắt đầu vào chiều 30/6, nhân kỷ niệm một năm Tổng thống Mohamed Morsi lên cầm quyền.
Ngày 29/6, trong các đoạn ghi hình đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, hai nhà lãnh đạo của Mặt trận Cứu quốc (NSF) là ông Mohamed El-Baradei và ông Hamdeen Sabbahi đã hối thúc người dân xuống đường biểu tình vào ngày 30/6 nhằm gây sức ép đòi tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Ông El-Baradei nhấn mạnh: “Người dân đã bầu cho ông Morsi và chính họ sẽ xuống đường vào ngày mai để bày tỏ mong muốn một cuộc bầu cử khác.”
Trước đó cùng ngày, Tổng công tố Talaat Abdullah đã ra lệnh mở cuộc điều tra chống lại hai nhà lãnh đạo của NSF này cùng một thủ lĩnh đối lập khác với cáo buộc “âm mưu lật đổ chế độ.”
Trong một diễn biến liên quan, ít nhất 8 nghị sỹ thuộc các lực lượng tự do và thế tục chính thức rút lui khỏi Hội đồng Shoura (Thượng viện Ai Cập) – cơ quan hiện nắm quyền lập pháp sau khi Quốc hội bị tòa án giải tán vào tháng 6/2012 – nhằm ủng hộ các cuộc biểu tình của phe đối lập. Theo Chủ tịch Thượng viện Ahmed Fahmy, một số nghị sỹ khác đã nộp đơn từ nhiệm song chưa được chấp nhận. Trong khi đó, ông Ihab al-Kharatt, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền thuộc Thượng viện cho biết ít nhất 22 nghị sỹ đã từ nhiệm.
Phát biểu trên nhật báo Al Ahram, ông Mounir Fakheri Abdel-Nour, điều phối viên của NSF – liên minh đối lập chính tại Ai Cập, cho biết dự kiến khoảng 6-7 triệu người từ khắp các tỉnh thành trên cả nước sẽ đồng loạt đổ xuống đường phản đối chính quyền của Tổng thống Morsi và đây là sẽ là cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất kể từ làn sóng chính biến kéo dài 18 ngày làm sụp đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tổ chức cùng ngày, ông Mahmoud Badr – đồng sáng lập chiến dịch Tamarod (Nổi dậy), cho biết chiến dịch này đã thu thập được hơn 22 triệu chữ ký đòi ông Morsi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, vượt xa mục tiêu ban đầu là 15 triệu chữ ký và 13,2 triệu lá phiếu mà ông Morsi đã giành được tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6/2012, qua đó giành chiến thắng trước cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq.
Tối 29/6, hàng chục nghìn người biểu tình đối lập đã kéo về các quảng trường lớn ở thủ đô Cairo và các tỉnh thành khác trên khắp cả nước. Hàng nghìn người biểu tình đứng chật kín Quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo.
Đám đông ủng hộ chiến dịch Tamarod cũng bắt đầu dựng lều bạt và tham gia một cuộc biểu tình ngồi trước nhà riêng của ông Morsi tại tỉnh Sharqiya. Hàng trăm người biểu tình tiếp tục tập trung trước cửa trụ sở Bộ Quốc phòng, hô các khẩu hiệu phản đối ông Morsi cùng tổ chức Anh em Hồi giáo và kêu gọi quân đội quay trở lại nắm quyền lực. Trong khi đó, cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya thuộc quận Nasr City ở phía Bắc Cairo bước sang ngày thứ hai với hàng nghìn người tham gia.
[Ai Cập: Nổ lựu đạn, 16 người biểu tình thương vong]
Trước nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ bạo lực tồi tệ, Tổng thống Morsi đã họp với Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim và Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi, bàn kế hoạch an ninh nhằm đảm bảo trật tự và bảo vệ các địa điểm chiến lược.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập cho biết ít nhất 8 người đã thiệt mạng và hơn 600 người bị thương trong các cuộc đụng độ nổ ra kể từ ngày 26/6 giữa những người ủng hộ tổng thống và những người biểu tình phe đối lập.
Lo ngại nguy cơ bất ổn, nhiều cửa hàng và khu dân cư tại Cairo đã cho gia cố cổng, tường rào và tăng cường các biện pháp an ninh. Các chi nhánh ngân hàng nằm gần các địa điểm biểu tình, trong đó có Quảng trường Tahrir và Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis thông báo sẽ đóng cửa vào ngày 30/6 – ngày đầu tuần tại Ai Cập. Đảng Al-Watan theo nhánh Hồi giáo Salafist cũng cho biết sẽ không tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Morsi trong những ngày tới nhằm “tránh đổ máu.”
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 29/6 đã khuyến cáo công dân của mình tránh các chuyến đi không cần thiết tới Ai Cập do bất ổn chính trị tại quốc gia này.
Quan hệ ngoại giao giữa Abu Dhab và Cairo đã trở nên căng thẳng trong 6 tháng qua, kể từ khi UAE bắt giữ hàng chục công dân nước này với cáo buộc cấu kết với tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập để gây bất ổn tại quốc gia vùng Vịnh này./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()