Agribank xử lý nợ xấu hiệu quả, nâng cao tiềm lực tài chính
Agribank. |
Năm 2019, Agribank đề ra mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để tự xử lý, đi đôi với nâng chất lượng tín dụng.
Agribank đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt, như: tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường; mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (AMC).
Cách làm của Agribank là gắn việc xử lý nợ xấu với hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ.
Ngân hàng cũng phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đem lại nhiều kết quả, kết thúc năm 2018, nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý.
Bên cạnh đó, với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank tự tin đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Lũy kế đến 31/3/2019, Agribank thu hồi và tự xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đạt trên 93.000 tỷ đồng, bao gồm: Thu nợ gốc đã bán cho VAMC; thu nợ gốc đã xử lý rủi ro; thu và xử lý nợ xấu nội bảng; thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09 và Nghị định 55.
Thực hiện tái cơ cấu, năng lực tài chính của Agribank không ngừng được củng cố, năm 2016, lợi nhuận của Agribank đạt 4.212 tỷ đồng, năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng, năm 2018 đạt 7.525 tỷ đồng, là sự bứt phá kỷ lục của Agribank kể từ khi thành lập. Trong 3 năm gần đây, Agribank đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện bằng các giải pháp xử lý được triển khai đồng bộ, kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn quay vòng và phát huy tác dụng đầu tư phát triển kinh tế.
Quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Năm 2019, Agribank phấn đấu tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng.
Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro từng bước được nâng cao dần tiệm cận với thông lệ quốc tế, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động.
Tuy nhiên, lãnh đạo Agribank luôn quán triệt toàn hệ thống không chủ quan, lơ là với rủi ro nợ xấu.
Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ và đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, các ngân hàng cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, từ đó, giúp dòng vốn đang bị chôn vùi ở khối lượng tài sản nằm trong nợ xấu sẽ tiếp tục được khơi thông, quay vòng phục vụ phát triển kinh tế.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()