Agribank Tràng Định: Tiếp sức người dân phát triển rừng
– Những năm gần đây, công tác xã hội hóa phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tràng Định có những chuyển biến tích cực. Năm 2021, toàn huyện trồng mới 1.436,8 ha rừng, đạt 119,7% kế hoạch. Để đạt được kết quả đó, có một phần đóng góp quan trọng từ nguồn vốn vay trồng rừng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tràng Định (Agribank Tràng Định).
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Agribank Tràng Định cho biết: Bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện, mũi nhọn là phát triển lâm nghiệp, thời gian qua, Agribank Tràng Định đã tạo điều kiện tối đa để người dân trên địa bàn huyện tiếp cận với nguôn vốn vay để phát triển cây lâm nghiệp. Để truyền tải vốn đến người dân, ngân hàng đã yêu cầu cán bộ tín dụng nâng cao ý thức, không ngại khó, không ngại khổ, trách nhiệm chủ động phối hợp cùng chính quyền các xã, cán bộ các phòng, ban liên quan của huyện tổ chức thẩm định, tư vấn, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn đúng quy định của pháp luật và ngân hàng. Qua đó, giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả, giúp người dân kịp vụ trồng rừng trong năm.
Cán bộ tín dụng Agribank Tràng Định tư vấn về nguồn vốn vay cho người dân xã Đội Cấn
Nhờ sự chủ động đó, đến nay, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo mục đích trồng và chăm sóc rừng của chi nhánh đạt trên 40 tỷ đồng, với gần 500 khách hàng vay vốn. Riêng trong năm 2021, doanh số cho vay mục đích trồng rừng của chi nhánh đạt 6,4 tỷ đồng với 106 hộ vay. Đây là một trong những chi nhánh có dư nợ lớn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, đã góp phần tiếp sức cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có vốn để chăm sóc và mở rộng diện tích rừng trồng như: quế, keo, bạch đàn… Trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng mới được trên 1.000 ha rừng, riêng năm 2021, toàn huyện trồng được 1.436,8 ha, đạt 119,7% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 63,5% (tăng khoảng 5% so với năm 2016). Thu nhập từ rừng và sản phẩm lâm nghiệp đã trở thành một phần thiết yếu của bà con nơi đây. Năm 2021, toàn huyện khai thác đạt 7257,3 m3 gỗ.
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tín dụng, Agribank Tràng Định cho biết: Với trách nhiệm là bộ phận trực tiếp xử lý hồ sơ vay vốn trồng rừng nhiều năm nay, ngay từ đầu năm 2021, phòng đã trực tiếp cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND xã rà soát, lập danh sách hộ dân có diện tích đất rừng lớn, có tiềm năng nhưng thiếu vốn đầu tư để hỗ trợ vay. Thông qua các cuộc họp thôn, cán bộ ngân hàng sẽ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay. Đồng thời, phối hợp với các tổ vay vốn, tổ tuyên truyền lưu động tư vấn, định hướng, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn.
Với sự đồng hành của ngân hàng, nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã có vốn để đầu tư, khai thác hiệu quả diện tích đồi rừng của gia đình, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như gia đình chị Ngô Thị Hoan, thôn Nà Khau, xã Đội Cấn. Dẫn chúng tôi thăm quan cánh rừng bạch đàn bạt ngàn, chị Hoan phấn khởi chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi được Agribank Tràng Định cho vay 350 triệu đồng để đầu tư trồng mới 20 ha rừng bạch đàn. Đến năm 2021, tôi khai thác khoảng 50% diện tích rừng trồng và thu về hơn 1 tỷ đồng, với giá bán từ 100 đến 120 triệu đồng/ha. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình đã có nguồn thu để trả lãi vay và tái đầu tư.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, chi nhánh còn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay Nghị quyết 08 ban hành ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó có một số quy định về hỗ trợ lãi suất tín dụng đối với dự án trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ. Đến nay, toàn huyện có 4/7 dự án được vay để phát triển lâm nghiệp với dư nợ đạt 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank Tràng Định còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, lãi. Tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt 98%.
Hiệu quả từ phát triển kinh tế rừng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực ngành lâm nghiệp của huyện hằng năm tăng khoảng 7%. Từ rừng, nhiều hộ đã có thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm (có hộ thu nhập từ 300 đến hơn 500 triệu đồng/năm từ kinh tế đồi rừng). Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 27,5% (năm 2016) xuống còn 8,51% (năm 2020).
Ý kiến ()