Agribank Tràng Định: Hiệu quả nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
(LSO) – Những năm qua, thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định (Agribank Tràng Định) đã kịp thời đưa nguồn vốn đến tận tay người dân để giúp họ xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Những ngày đầu tháng 12/2020, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long của gia đình ông Chu Văn Lợi, thôn Bê Hai, xã Tri Phương trong lúc ông đang tất bật thu hoạch quả. Từ mô hình này, mỗi năm, gia đình ông bán ra thị trường trên 2 tấn quả, với giá bán từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình ông còn ươm cây giống bán cho người dân quanh vùng. Nhờ đó, gia đình ông thu lãi từ 60 triệu đồng/năm.
Ông Chu Văn Lợi, thôn Bê Hai, xã Tri Phương thu hoạch thanh long
Ông Lợi cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Agribank Tràng Định để cải tạo vườn, trồng được gần 400 trụ thanh long và 2.000 cây bạch đàn. Nhờ đầu tư hiệu quả, năm 2019, gia đình tôi đã trả được nợ ngân hàng, rừng bạch đàn đang phát triển tốt, sắp đến tuổi khai thác. Năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng 4 sào ổi và chăm sóc rừng, chăn nuôi gia cầm”.
Ngoài gia đình ông Lợi, thời gian qua, Agribank Tràng Định đã tạo điều kiện để các hộ dân trên địa bàn huyện vay vốn đầu tư phát triển kinh tế như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…
Để kịp thời cung ứng vốn cho đúng đối tượng có nhu cầu, Agribank Tràng Định phân công cán bộ tín dụng phụ trách theo dõi từng địa bàn xã, thị trấn, nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân. Ngoài ra, cán bộ ngân hàng còn tư vấn, định hướng người dân lập hồ sơ và sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, Agribank Tràng Định đã thành lập 103 tổ vay vốn tại 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, các tổ trưởng thường là trưởng thôn, nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình trong thôn để có sự giúp đỡ phù hợp.
Ông Hoàng Mạnh Linh, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Bê Hai, xã Tri Phương cho biết: Khi người dân trong thôn có nhu cầu vay vốn, với vai trò là tổ trưởng tổ vay vốn, tôi sẽ chủ động hỗ trợ người dân các thủ tục cần thiết, sau đó đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định. Hằng tháng, tôi đôn đốc, đến nhà các hộ vay để thu lãi, đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, những khó khăn để kịp thời báo cáo với ngân hàng có biện pháp khắc phục, giúp họ yên tâm sử dụng vốn. Hiện tổ vay vốn của tôi có 25 tổ viên với dư nợ khoảng 3 tỷ đồng, các hộ đều sử dụng vốn có hiệu quả.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn, tiện lợi cho người dân, Agribank Tràng Định còn thành lập tổ thu lãi tại các xã. Theo đó, chi nhánh thành lập tổ thu lãi tại 5 cụm xã, hằng tháng, cán bộ tín dụng sẽ đến một điểm xã để thu lãi cho người dân, kể cả thứ 7, chủ nhật.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Agribank Tràng Định cho biết: Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đa số người vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có khả năng trả nợ, trả lãi, điều đó thể hiện ở chất lượng tín dụng, tỷ lệ thu nợ, thu lãi luôn đạt trên 96%, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1% (dưới mức cho phép). Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chương trình cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, tổng dư nợ của Agribank Tràng Định đạt 594 tỷ đồng với 3.177 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 570 tỷ đồng, tăng khoảng 35 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 96,1% tổng dư nợ với 3.171 khách hàng vay vốn. |
Ý kiến ()