Agribank Lạng Sơn: Hiệu quả nguồn vốn “tam nông”
(LSO) – Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) kịp thời triển khai có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, là trụ đỡ vững chắc về tài chính cho nhà nông, góp phần quan trọng làm thay dổi diện mạo nông nghiệp nông thôn của tỉnh.
Chủ động nguồn vốn
Sau 10 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về nhiệm vụ trọng yếu cho vay sản xuất, phát triển “tam nông”, từ năm 2008 đến nay, Agribank Lạng Sơn đã luôn chủ động cung cấp nguồn vốn, kịp thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất nhất là những năm gần đây, khi cả nước đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tính riêng 11 tháng năm 2018, Agribank Lạng Sơn cung cấp nguồn vốn vay cho 31.220 khách hàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 5.380 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu của năm. Trong đó, riêng nguồn vốn cho vay ưu đãi lãi suất cho người dân trồng rừng và trồng cây ăn quả theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND là 132 tỷ đồng; nguồn vốn cho vay ưu đãi lãi suất phát triển đàn trâu, bò theo Quyết định số 11/2010/QĐ – UBND là 32 tỷ đồng.
Ông Lương Văn Thương, thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng chăm sóc đàn lợn nái
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Agribank Lạng Sơn luôn chủ động cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “tam nông” thông qua việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: về lãi suất, hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…
Đồng hành cùng nhà nông
Đồng hành cùng nhà nông, chi nhánh cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khu vực nông thôn như: điểm giao dịch lưu động đến tận các xã, mở rộng hệ thống cây ATM, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải ngân… đảm bảo hộ dân có vốn thực hiện kịp thời ý tưởng kinh doanh. Qua đó, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tại nhiều huyện phát triển mạnh. Điển hình như các huyện: Hữu Lũng, Tràng Định, Đình Lập với phong trào phát triển kinh tế rừng; Chi Lăng, Bắc Sơn hình thành nhiều mô hình cây ăn quả, chăn nuôi.
Bà Cao Kim Dung, Giám đốc chi nhánh Agribank huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh đạt 501 tỷ đồng. Trong đó, cung cấp vốn cho 1.366 hộ để phát triển đàn trâu, bò với dư nợ 33 tỷ đồng; 77 hộ vay vốn phát triển rừng với dư nợ gần 11 tỷ đồng và cho vay xây dựng nông thôn mới 219 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn của Agribank Lạng Sơn nhiều hộ dân xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình như gia đình ông Lương Văn Thương ở thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình kinh doanh cám chăn nuôi và trang trại quy mô 70 lợn nái và 200 con lợn thịt; gia đình ông Dương Ngọc Đại ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình trồng cây ăn quả như: bưởi Diễn, mít cho thu nhập bình quân 3 năm gần đây hơn 600 triệu đồng/năm.
Ông Lương Văn Thương chia sẻ: Từ năm 2013, với 500 triệu đồng tiền vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt. Sau một thời gian có kinh nghiệm chăn nuôi và cho hiệu quả kinh tế, đến nay, tôi tiếp tục được ngân hàng nâng hạn mức vay lên 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, nuôi tách đàn lợn nái và lợn thịt theo kỹ thuật hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường. Dự kiến năm 2018, gia đình thu khoảng 500 triệu đồng từ bán lợn thịt.
Từ nguồn vốn tam nông, Agribank Lạng Sơn đã góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng tích cực, tốc độ gia tăng giá trị bình quân ngành nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 3 năm gần đây đạt trên 3,2%. Đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn. Năm 2017, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu ở nông thôn đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008, từ 7,6 triệu đồng/người năm 2008 lên 18,8 triệu đồng/người năm 2017.
Ý kiến ()