Agribank Lạng Sơn: Đồng hành cùng sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn
(LSO) – Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) luôn phát huy vai trò là “cầu nối” dẫn vốn ưu đãi đến tay người dân, giúp nhiều hộ có vốn để phát triển kinh tế.
Những ngày cuối năm 2020, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi gà của gia đình bà Dương Thị Sáng, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn. Từ mô hình này, mỗi tháng, gia đình bà bán ra thị trường trên 50.000 quả trứng gà và 2.000 con gà thịt, thu nhập đem lại trên 800 triệu đồng/năm.
Bà Sáng cho biết: “Trước đó, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, năm 2010, tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Agribank huyện Bắc Sơn để xây dựng chuồng trại và mua con giống, thức ăn cho gà. Thấy hiệu quả, đến năm 2017, gia đình tôi tiếp tục vay Agribank Bắc Sơn 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng để nâng cấp, mở rộng chuồng trại với quy mô trên 10.000 con gà thịt và gà đẻ/lứa”.
Người dân thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn phát triển mô hình nuôi thỏ từ vốn vay Agribank
Còn gia đình ông Phan Đăng Thái, thôn Pò Kính, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình lại sử dụng nguồn vốn vay của Agribank để đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ gia dụng như: giường, tủ, bàn, ghế… Ông Thái chia sẻ: Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi đã vay của Agribank Lộc Bình với số tiền hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất đồ gỗ. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, cơ sở kinh doanh của gia đình tôi ngày càng mở rộng, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho từ 10 đến 15 lao động tại địa phương.
Không chỉ bà Sáng, ông Thái, thời gian qua, Agribank Lạng Sơn đã tạo điều kiện để các hộ dân trên địa bàn tỉnh vay vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, đem lại hiệu quả như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…
Theo đó, chi nhánh luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng hành với các hộ sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay, hằng năm, đơn vị giao kế hoạch cụ thể đến các chi nhánh, phòng giao dịch, trong đó có chỉ tiêu cụ thể về dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, chú trọng đến công tác tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng về các chương trình cho vay, thủ tục vay vốn, đảm bảo không để hộ nông dân, doanh nghiệp nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn.
Cùng đó, để kịp thời cung ứng vốn cho người dân có nhu cầu, hiện Agribank Lạng Sơn có mạng lưới phòng giao dịch tại 11 huyện, thành phố với 18 chi nhánh, phòng giao dịch. Bên cạnh đó, đơn vị thành lập được 1.016 tổ vay vốn tại các thôn, bản với 9.400 thành viên, tổng dư nợ là 846 tỷ đồng. Khi người dân có nhu cầu, các tổ vay vốn sẽ chủ động tư vấn cho người dân các thủ tục cần thiết, sau đó đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định, giải ngân nhanh chóng.
Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đa số người vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có khả năng trả nợ, trả lãi, nhờ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, hiện tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,04% (dưới mức cho phép).
Được biết, tới đây, Agribank Lạng Sơn tiếp tục chú trọng triển khai, thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bám sát chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần quan trọng cùng với chính quyền tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Lạng Sơn là 10.386 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 6.855 tỷ đồng, chiếm 66% tổng dư nợ, với 29.534 khách hàng đang vay vốn. |
Ý kiến ()