Agribank Lạng Sơn: Đa dạng kênh dẫn vốn tới người dân
- Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh (Agribank Lạng Sơn) đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng kênh dẫn vốn đến người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để đưa vốn đến người dân, ngân hàng đã chủ động đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng về các chương trình cho vay, thủ tục vay vốn, đảm bảo không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn. Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, đúng mục đích, chi nhánh đã chỉ đạo sát sao các chi nhánh, phòng giao dịch tại các huyện, thành phố trong tỉnh chủ động phân công cán bộ tín dụng phụ trách theo dõi địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân để kịp thời tư vấn, hỗ trợ người dân lập hồ sơ vay vốn và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, để đa dạng hóa các kênh dẫn vốn các chi nhánh thành lập các tổ dịch vụ lưu động để thực hiện giao dịch và tuyên truyền hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số; chương trình cho vay ưu đãi tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Với sự đồng hành của ngân hàng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như gia đình chị Nông Thị Hoàn, thôn 2, xã Trung Thành, huyện Tràng Định.
Chị Hoàn chia sẻ: Tháng 6/2023, được cán bộ tín dụng Agribank Tràng Định tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã mạnh dạn vay 900 triệu đồng và được hỗ trợ 100% lãi suất để chăn nuôi bò theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết 08). Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, thủ tục giải ngân nhanh chóng, tôi đã có vốn để đầu tư chuồng trại và trồng 2 ha cỏ voi để chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng 35 con. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình đã xuất bán 10 con bò, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Hiện, gia đình đang tiếp tục nuôi vỗ béo 30 con bò để phục vụ nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, để có thêm nhiều kênh dẫn vốn, nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng hơn nữa, Agribank Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập 266 tổ vay vốn để tuyên truyền các chương trình tín dụng, đặc biệt là tới các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng đã phối hợp tổ chức 21 lớp tập huấn, tuyên truyền Chính sách tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất, cho vay qua tổ vay vốn... tại các xã trên địa bàn tỉnh thu hút trên 1.000 hội viên tham gia.
Đồng thời, chi nhánh cũng thành lập 350 tổ liên kết, tổ vay vốn khác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để khi người dân có nhu cầu, các tổ sẽ chủ động tuyên truyền, tư vấn, định hướng các hộ lập hồ sơ vay vốn, sử dụng nguồn vốn phù hợp, hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay qua các tổ đạt trên 955,8 tỷ đồng, với 6.669 thành viên.
Ông Dương Văn Dụng, Tổ trưởng tổ liên kết thôn Pá Lét, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt trên 4 tỷ đồng, nguồn vốn vay được người dân chủ yếu sử dụng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả cũng như có thêm nhiều thành viên tham gia tổ, hằng tháng, thông qua các cuộc họp thôn, họp tổ, chúng tôi đều thanh thủ tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng. Đồng thời, thành lập nhóm zalo giữa các thành viên để theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Nhờ đó, nhiều năm nay, tổ đều không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Với những giải pháp tiếp vốn kịp thời, hiệu quả, thời gian qua, nguồn vốn cho vay của Agribank Lạng Sơn đã tiếp sức cho nhiều gia đình khu vực nông thôn có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến nay, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt trên 12.900 tỷ đồng với trên 43.000 khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 8.402 tỷ đồng, tăng 81 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023, chiếm trên 65% tổng dư nợ.
Thời gian tới, để nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả, chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai cho vay các chương trình cho vay ưu đãi như: hỗ trợ lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 08; cho vay thấu chi nông nghiệp nông thôn… Qua đó, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng tới gần hơn với người dân, đẩy lùi nạn tín dụng đen tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ý kiến ()