Agribank: Hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng
Trong những tháng đầu năm 2019, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chủ động thực thi chính sách tiền tệ, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong việc triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn với kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.
Tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, chủ động đẩy lùi tín dụng đen
Là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank tập trung hoạt động tín dụng những tháng đầu năm 2019 vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng khu vực tam nông. Agribank hiện đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay chăn nuôi gia súc, gia cầm; cho vay tái canh cà phê; cho vay phát triển thủy sản…
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Ngay từ đầu năm 2019, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách của cá nhân, hộ gia; hỗ trợ kịp thời nguồn vốn thu mua lúa gạo, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hồ tiêu, chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh …
Góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”, Agribank đã ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân với 700.000 tỷ đồng cho gần 4 triệu khách hàng… Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỉ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank.
Để đưa vốn đến người dân kịp thời, Agribank đã triển khai nhiều kênh dẫn vốn hiệu quả, trong đó có hơn 58.000 tổ vay vốn, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I Đề án “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng” với 68 xe tại 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh, thành phố, phục vụ gần 400.000 lượt khách hàng. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô có đủ các dịch vụ ngân hàng như: Giải ngân, thu nợ, chuyển tiền…
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô của Agribank góp phần đưa nguồn vốn đến vùng sâu, vùng xa. |
Trong những tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh của Agribank tiếp tục tăng trưởng tốt; các tỉ lệ an toàn hoạt động đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đến 30/4/2019, nguồn vốn huy động đạt 1.217.413 tỷ đồng; tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 230 tỷ đồng. Kinh doanh dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả ở mức dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng. Các tỉ lệ an toàn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ, Agribank chú trọng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý.
Agribank hiện cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, bao gồm: Nhóm sản phẩm dịch vụ huy động vốn; thanh toán trong nước; thẻ; thanh toán quốc tế; kinh doanh ngoại hối, kiều hối; ngân hàng điện tử E-Banking… đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch thanh toán của người dân, qua đó có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức góp phần thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Khắc phục khó khăn để tăng năng lực tài chính
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 với việc cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng: Tập trung đầu tư cho “tam nông”; xử lý nợ xấu; thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển dịch vụ…
Agribank liên tục bổ sung tiện ích mới cho dịch vụ Internet Banking |
Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, đến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại: Mạng lưới tiếp tục được sắp xếp lại, hệ thống cơ chế, chính sách được rà soát, chỉnh sửa theo hướng đổi mới trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là cơ chế về lao động, kế hoạch, tài chính, tín dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, tạo động lực cho người lao động và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh; chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt.
Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu đưa tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018; lợi nhuận tăng đạt mức tối thiểu 10.000 tỷ đồng, dồng thời tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()