Agribank Đình Lập: Nâng cao chất lượng tổ vay vốn
– Với mục tiêu khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Đình Lập (Agribank Đình Lập) đã phối hợp với Hội Nông dân (HND) xây dựng và duy trì có hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn. Đến nay, tổ vay vốn đã thực sự trở thành kênh chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, chính xác, an toàn đến đông đảo người dân trên địa bàn huyện.
Năm 2003, được sự hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn của các thành viên trong Tổ vay vốn thị trấn Đình Lập, gia đình chị Lộc Thị Thái, khu 4, thị trấn Đình Lập đã được vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi tại Agribank Đình Lập để đầu tư trồng rừng. Chị Thái chia sẻ: Nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã có thêm nguồn lực để trồng mới 18 ha thông, nâng tổng diện tích trồng thông của gia đình lên 35 ha. Đến năm 2018, 2/3 diện tích thông đã cho khai thác nhựa. Doanh thu từ nhựa thông đem lại thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương. Năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 1 tỷ đồng vốn ưu đãi để mở rộng diện tích trồng keo và bạch đàn.
Cán bộ Agribank Đình Lập (bên trái) và Tổ trưởng tổ vay vốn (bên phải) hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay vốn
Không chỉ chị Thái, nhiều hội viên nông dân tại thị trấn Đình Lập đã được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời, nhanh chóng thông qua tổ vay vốn. Bà Phạm Thị Tuyên, Tổ trưởng tổ vay vốn thị trấn Đình Lập chia sẻ: Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt gần 7 tỷ đồng, với 46 thành viên và 49 món vay còn dư nợ, không có nợ xấu, nợ quá hạn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, tôi tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm rõ các chương trình vay, tham gia các lớp tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hằng quý, tôi tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Cứ 3 tháng tôi tổ chức họp định kỳ để các thành viên học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình đã sử dụng vốn vay ưu đãi thành công, qua đó từng bước nhân rộng.
Không chỉ riêng Tổ vay vốn thị trấn Đình Lập, các tổ vay vốn khác trên địa bàn huyện đều hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện có 57 tổ vay vốn, 881 hội viên đang vay vốn tại 12/12 xã, thị trấn. Thời gian qua, để củng cố và nâng cao chất lượng các tổ, Agribank Đình Lập đã tập trung phối hợp với HND thực hiện thay thế các tổ trưởng có năng lực yếu, không nhiệt tình; làm tốt công tác kiện toàn, đảm bảo mỗi tổ có từ 15 thành viên… Cùng với đó, hằng năm, đơn vị chú trọng tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ dân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ theo thời hạn cam kết nhằm nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay.
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Agribank Đình Lập cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn ngày càng được nâng lên. Đến nay, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đạt 107,7 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ tại chi nhánh, tỷ lệ thu lãi đều đạt trên 90%. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã giải ngân 34,6 tỷ đồng cho 233 hộ vay vốn. Vốn vay được sử dụng chủ yếu để phục vụ mục đích như: trồng rừng, chăn nuôi….
Từ nguồn vốn vay thông qua tổ, Agribank Đình Lập đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 35,86 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 41,94% (năm 2015) xuống còn 12,26% (năm 2020).
Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn nhận xét: Agribank Đình Lập là một trong những đơn vị điển hình trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng tổ vay vốn. Đến nay, chương trình phối hợp giữa Agribank và HND đã tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân ở vùng nông thôn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hệ thống tổ vay vốn luôn được đánh giá cao nhờ chuyển tải đồng vốn đến người dân một cách thuận lợi và nhanh chóng. Qua đó, người dân an tâm phát triển sản xuất, thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay. Đồng thời, hạn chế những tiêu cực từ vấn nạn “tín dụng đen” ở nông thôn.
Ý kiến ()