Afghanistan rất cần hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế
Đó là lời kêu gọi mới đây của Liên hợp quốc và Pakistan trong bối cảnh Afghanistan được cảnh báo đang có nguy cơ đối mặt với một khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Tân Hoa xã đưa tin, ngày 22-11, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, các hoạt động nhân đạo tại Afghanistan đã ghi nhận kết quả tích cực trong thời gian qua với việc nguồn tài chính được tăng cường và người dân nước này tiếp cận viện trợ tốt hơn.
Quỹ viện trợ cho Afghanistan cũng đạt mục tiêu đề ra khi cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ 606 triệu USD giúp đỡ 11 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp tại quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, số người cần được hỗ trợ và dễ bị tổn thương tại Afghanistan đang ngày một tăng lên.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định, công tác nhân đạo đang vượt ngoài khả năng đáp ứng của tổ chức này. “Afghanistan vẫn cần thêm các khoản viện trợ vì hệ thống ngân hàng và tài chính đang bên bờ sụp đổ”, ông Dujarric nhấn mạnh.
Một phụ nữ nhận đồ cứu trợ được phân phát tại tỉnh Bamyan (Afghanistan), ngày 1-11. Ảnh: Anadolu Agency. |
Số liệu của LHQ cho biết, từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11-2021, các đối tác của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ lương thực cho 7,2 triệu người; cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cho hơn 880.000 người; hỗ trợ 199.000 người đang chịu những tác động tiêu cực của tình trạng hạn hán và hơn 178.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng tại Afghanistan.
Cùng ngày, theo The Times of India, phát biểu khi chủ trì một hội nghị về Afghanistan diễn ra ở thủ đô Islamabad (Pakistan), Thủ tướng nước chủ nhà Imran Khan cũng hối thúc cộng đồng quốc tế thực hiện nghĩa vụ tập thể nhằm hỗ trợ quốc gia láng giềng đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
“Thế giới cần tiếp tục ủng hộ để bảo đảm người dân Afghanistan được sống trong một môi trường hòa bình và ổn định sau nhiều năm xung đột liên tục”, Thủ tướng Pakistan nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Pakistan cho biết, đã chỉ đạo các bộ, ngành của nước này gửi số hàng viện trợ nhân đạo trị giá khoảng 29 triệu USD tới Afghanistan. Bên cạnh đó, Pakistan cũng nối lại hoạt động của tuyến xe buýt giữa TP Peshawar của nước này với TP Jalalabad của Afghanistan để bảo đảm hoạt động đi lại giữa hai bên, đồng thời giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Afghanistan sang Pakistan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Pakistan cũng thông báo sẽ cho phép hàng viện trợ nhân đạo của Ấn Độ cho Afghanistan được vận chuyển bằng đường bộ qua Pakistan, cũng như tạo điều kiện hồi hương những người dân Afghanistan đến Ấn Độ để điều trị y tế và đang mắc kẹt ở đó.
Trước đó một tháng, chính quyền New Delhi đã đề nghị hỗ trợ 50.000 tấn lúa mì và vật tư, trang thiết bị y tế cho Afghanistan.
Lâu nay, Afghanistan được biết đến là một trong những quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nhiều nhất trên thế giới. Nước này đã nhận các khoản viện trợ tương đương 65 tỷ USD kể từ năm 2002.
Việc Mỹ đột ngột rút lui hoàn toàn sau suốt hai thập kỷ hiện diện dẫn tới sự trở lại nắm quyền của lực lượng Taliban đã làm ngưng lại dòng chảy viện trợ nước ngoài vào Afghanistan, đẩy quốc gia vốn luôn thiếu tiền này càng rơi vào trạng thái bấp bênh.
Có thể nói, cú sốc tổng hợp từ hạn hán, xung đột, dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế khiến Afghanistan đối mặt với nạn đói trầm trọng hơn bao giờ hết.
Báo cáo mới công bố của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, có khoảng 23 triệu người Afghanistan đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng; trong đó có 8,7 triệu người rơi vào tình trạng khẩn cấp, tăng mạnh từ mức 3 triệu người vào năm ngoái.
Trong bối cảnh “bóng ma thiếu đói” đang rình rập khắp đất nước Afghanistan, kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Nếu không có biện pháp kịp thời, trong đó có vai trò hỗ trợ đặc biệt quan trọng của cộng đồng quốc tế, người dân Afghanistan sẽ khó tránh khỏi một thảm kịch nhân đạo tồi tệ trong mùa đông này.
Ý kiến ()