ADMM đưa hợp tác quốc phòng ASEAN ngày càng đi vào thực chất
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) là cơ chế tham vấn và hợp tác về quốc phòng cao nhất trong hiệp hội. Kể từ khi ADMM ra đời, hợp tác quốc phòng ASEAN đã có những bước phát triển mới.
Nhiều sáng kiến hợp tác được triển khai
Sau khi sáng kiến thiết lập ADMM được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 ở Lào hồi tháng 11-2004, Hội nghị ADMM lần thứ nhất đã được tổ chức thành công tại Malaysia vào tháng 5-2006. Từ đó đến nay, ADMM đã trở thành hoạt động thường niên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.
Mục tiêu của ADMM là thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực thông qua đối thoại và hợp tác về quốc phòng, an ninh; đưa ra định hướng cho đối thoại và hợp tác về quốc phòng, an ninh trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác đối thoại; tăng cường lòng tin thông qua thúc đẩy hiểu biết về các thách thức quốc phòng, an ninh trong khu vực cũng như tăng cường tính minh bạch và công khai; đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN (sau đổi tên thành Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN).
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan kỷ niệm 15 năm ADMM hướng tới một ASEAN sẵn sàng cho tương lai, hòa bình và thịnh vượng tại Hội nghị ADMM-15 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 15-6-2021. Ảnh: mindef.gov.bn. |
Cho đến nay, ADMM đã trải qua 15 kỳ hội nghị do các nước thành viên lần lượt chủ trì tổ chức, gồm Malaysia (2006), Singapore (2007), Thái Lan (2009), Việt Nam (2010), Indonesia (2011), Campuchia (2012), Brunei (2013), Myanmar (2014), Malaysia (2015), Lào (2016), Philippines (2017), Singapore (2018), Thái Lan (2019), Việt Nam (2020), Brunei (2021). Việc tổ chức ADMM được các nước ASEAN đặc biệt chú trọng vì hợp tác quốc phòng có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực và an ninh quốc gia của mỗi nước.
Kể từ khi ADMM được thiết lập, hợp tác quốc phòng ASEAN ngày càng đi vào thực chất trong các lĩnh vực như an ninh biển, chống khủng bố, các hoạt động Gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, quân y, công nghiệp quốc phòng. Nhiều sáng kiến hợp tác đã được triển khai trong khuôn khổ ADMM như: Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần của ASEAN (LSF), Chương trình giao lưu quốc phòng ASEAN (ADIP), Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN (ADIC), Mạng lưới các trung tâm Gìn giữ hòa bình của ASEAN (APCN), Nhóm thường trực quân đội ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (AMRG về HADR), Trung tâm quân y ASEAN (ACMM), Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ (CBR)…
Việt Nam đóng góp quan trọng cho hợp tác quốc phòng ASEAN
Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của ADMM đối với cấu trúc an ninh khu vực, Việt Nam đã chủ động tham gia cơ chế này, có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của ADMM theo Hiến chương của ASEAN và đề xuất nhiều sáng kiến được các nước đánh giá cao, góp phần đưa hợp tác trong ADMM ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì một ASEAN phát triển thịnh vượng.
Thượng tướng (nay là Đại tướng) Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị ADMM-15 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 15-6-2021. Ảnh: TRỌNG HẢI. |
Có thể kể đến các sáng kiến như: Cam kết không sử dụng vũ lực trước và tăng cường hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực thông qua các hoạt động tuần tra chung, giao lưu, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân cũng như lãnh đạo quốc phòng các nước…
Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM-4, thúc đẩy mạnh mẽ và có đóng góp to lớn trong việc thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ) cũng như tổ chức thành công Hội nghị ADMM lần thứ nhất.
Đến năm 2020, theo sáng kiến và dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ADMM và ADMM trong Năm ASEAN 2020, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Hội nghị ADMM Hẹp đã thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh, thể hiện nhận thức chung, khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các nước thành viên ASEAN.
Tuyên bố chung đã tạo cơ sở để quân đội các nước đẩy mạnh hợp tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế, hợp tác kiểm soát di chuyển xuyên biên giới, phát triển bộ xét nghiệm… và tổ chức thành công diễn tập xử lý tình huống trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng quân y ASEAN.
Có thể khẳng định với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong tham gia hợp tác ASEAN, thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho hợp tác quốc phòng trong hiệp hội.
Ý kiến ()