ADB: Kinh tế Campuchia sẽ hồi phục trong 2021 và phát triển nhanh
ADB dự báo sản xuất công nghiệp của Campuchia sẽ tăng 7,1% năm 2021 và 7% năm 2022, nhờ sự hồi phục của ngành may mặc, giày dép và đồ lữ hành.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 28/5, kinh tế Campuchia dự kiến tăng trưởng 4% năm nay và 5,5% năm 2022, trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế của các đối tác thương mại lớn giúp tăng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Campuchia.
Giám đốc quốc gia Campuchia của ADB Sunniya Durrani-Jamal cho rằng kinh tế Campuchia đã giảm 3,1% năm 2020 do hậu quả của đại dịch COVID-19. Chính phủ Campuchia phản ứng rất nhanh trước tình trạng gia tăng ca nhiễm mới trong thời gian gần đây và ADB hy vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021.
Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tăng thu nhập của các hộ gia đình, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực và khu vực đều được hưởng lợi như nhau, vì vậy điều quan trọng là phải quan tâm trợ giúp thêm cho các hộ gia đình.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2021, ADB dự báo sản xuất công nghiệp của Campuchia sẽ tăng 7,1% năm 2021 và 7% năm 2022, nhờ sự hồi phục của ngành may mặc, giày dép và đồ lữ hành cũng như sự tăng trưởng của ngành điện tử và lắp ráp xe đạp.
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp dự kiến tăng 1,3% năm 2021 và 1,2% năm 2022 nhờ sản lượng cao hơn sau trận lũ lụt gây nhiều thiệt hại hồi năm ngoái, cùng với ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng và xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng.
Lĩnh vực dịch vụ sẽ hồi phục chậm hơn, với mức tăng dự kiến 3,3% năm 2021 và 6,2% năm 2022. Nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2” đã làm ngành dịch vụ điêu đứng. Hạn chế đi lại có thể vẫn được thực hiện trong phần lớn thời gian của năm 2021 và điều này đồng nghĩa với việc ngành du lịch khó nhúc nhích trong năm nay.
Cũng theo bà Durrani-Jamal, còn có một số rủi ro ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của kinh tế Campuchia trong năm nay, đó là tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tăng trưởng thấp hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng với đó là nhu cầu trong nước của Campuchia vẫn yếu và lĩnh vực tài chính, ngân hàng chịu nhiều sức ép. Vì thế, Chính phủ Campuchia cần duy trì duy trì chính sách tài khóa và hỗ trợ tăng trưởng./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()