ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2020 và 2021
Chuyên gia kinh tế Emma Allen cho rằng ADB đã căn cứ vào tình hình thực tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia để đưa ra mức điều chỉnh dự báo phù hợp nhất.
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chi nhánh tại Indonesia , Emma Allen, cho biết ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2020 và 2021 lần lượt xuống -2,2% và 4,5%, thay vì mức dự báo đưa ra trước đó là – 1% và 5,3%.
Chuyên gia kinh tế Emma Allen cho rằng, ADB đã căn cứ vào tình hình thực tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia để đưa ra mức điều chỉnh dự báo phù hợp nhất.
Trước đó, ADB giả định nền kinh tế Indonesia sẽ dần được mở cửa do dịch bệnh từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nền kinh tế Indonesia vẫn rất khó khăn do tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê (BPS) Indonesia, đại dịch COVID-19 đã làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia trong quý 2 và quý 3/2020 suy giảm lần lượt ở mức 5,32% và 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức giảm liên tiếp này đã đẩy nền kinh tế Indonesia vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Chính phủ Indonesia cũng đã đưa ra mức dự báo đối với tăng trưởng kinh tế trong nước ở mức 0,6-1,7% trong năm 2020 và sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2021.
Chính phủ Indonesia cũng nhận định rằng, những cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ăn uống và du lịch sẽ là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Indonesia dần phục hồi.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin kinh doanh IHS Markit, lĩnh vực sản xuất của Indonesia có dấu hiệu phục hồi khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng từ 47,8 trong tháng 10/2020 lên 50,6 trong tháng 11/2020. Chỉ số này cũng cho thấy một tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế của Indonesia.
Theo chuyên gia kinh tế Emma Allen, dự báo mới của ADB được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Indonesia nhập khẩu 1,2 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ Trung Quốc. Mặc dù kết quả về hiệu quả của vắcxin vẫn chưa được công bố, nhưng việc này sẽ giúp Chính phủ Indonesia theo đuổi các chính sách “cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và nền kinh tế quốc gia.”
Tuy nhiên, việc thực hiện một chương trình tiêm chủng trên toàn quốc được kỳ vọng là một nhiệm vụ to lớn và Chính phủ vẫn có thể thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại trong thời gian chờ đợi có đủ vắcxin, mặc dù phạm vi hạn chế sẽ nhỏ hơn trước đây.
Trong năm 2020, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 695.200 tỷ rupiah (49,4 tỷ USD), tương đương 4,2% GDP để kích thích kinh tế, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 25/11/2020, Indonesia đã giải ngân được 62,1% tổng số quỹ này.
Chính phủ Indonesia cũng đã phát hành trái phiếu và vay vốn từ các tổ chức đa phương, bao gồm cả ADB để tài trợ cho ngân sách nhà nước khi ứng phó với dịch bệnh. Dự kiến việc vay nợ này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Indonesia lên mức 6,34% GDP.
ADB đánh giá tỷ lệ nợ dựa trên GDP của Indonesia vẫn được coi là bền vững. Tỷ lệ nợ/GDP của Indonesia đã tăng lên 37,4% vào tháng 10/2020 và có thể kiểm soát được. Mặc dù tỷ lệ này vẫn đang dưới ngưỡng pháp lý 60%, nhưng đã cao hơn tỷ lệ của năm 2019 là khoảng 30%.
Ngày 8/11/2020, ADB cho biết tổng tài trợ của ADB dành cho Indonesia trong năm 2020 dự kiến sẽ ở mức 3 tỷ USD, thấp hơn mức của năm 2020 là khoảng 3,4 tỷ USD.
Hỗ trợ tài chính của ADB chủ yếu hướng đến các chương trình liên quan đến vắcxin, giáo dục, xóa đói giảm nghèo và năng lượng bền vững.
ADB cũng đã xác nhận vừa phê duyệt khoản vay 500 triệu USD để hỗ trợ Indonesia thúc đẩy hội nhập tài chính bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và các đối tượng là thanh niên và phụ nữ./.
Ý kiến ()