ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,6% trong năm 2014
Ngày 1 - 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2014”, trong đó nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 5,6% trong năm 2014 (dự báo trước đó là 5,5%) và tăng 5,8% trong năm 2015, song vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Hình ảnh tại buổi công bố báo cáo (Nguồn: K.D) |
ADB cũng đưa ra dự báo mức lạm phát năm 2014 vào khoảng 6,2% trên cơ sở sản lượng lương thực nhìn chung ổn định, chính sách kích cầu giảm bớt và tiền đồng giảm giá nhẹ. Dự báo lạm phát năm 2015 sẽ ở mức 6,6% trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục mạnh hơn. Mức dự báo này thấp hơn so với mức 7,2% mà tổ chức này đưa ra trước đó.
Báo cáo cho thấy triển vọng Kinh tế Việt Nam tích cực nhờ những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và khu vực eurozone sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại cho Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo ghi nhận những tiến bộ đạt được trong cải cách khu vực tài chính ngân hàng, bao gồm những nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc giám sát huy động cho vay, sáp nhập và tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước. Báo cáo cũng ghi nhận việc thực hiện các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng nhằm thu hẹp khoảng cách với chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6-2014.
Tuy nhiên, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, có một thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt, đó là cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu thông qua cơ chế đối tác nhà nước – tư nhân, có thể đóng góp rất nhiều vào việc huy động vốn cho các dự án, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận được với kiến thức chuyên môn và công nghệ quốc tế, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng xã hội và vật chất. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu sẽ đòi hỏi Chính phủ phải đặt ra mục tiêu cụ thể, chắc chắn cũng như lộ trình rõ ràng để thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực trong nước và quốc tế. Chính phủ cũng cần phải dần dần nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi.
ADB, có trụ sở tại Manila, Phi-lip-pin, hoạt động với mục tiêu giảm nghèo ở châu Á – Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Thành lập năm 1966, đến nay tổ chức này đã có 67 thành viên, trong đó 48 thành viên là từ khu vực châu Á. Trong năm 2012, tổng số vốn tài trợ của ADB là 21,6 tỷ USD, bao gồm số vốn đồng tài trợ là 8,3 tỷ USD. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()