Báo cáo của ADB công bố sáng nay nhận xét, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, nhưng ADB cảnh báo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cả trong trước mắt và dài hạn.
Ông Eric Sidgwick nói: “Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát được ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao được sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai”. Ông Eric Sidgwick cho rằng: “Về lâu dài, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. ADB cho rằng, Chính phủ cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm một kế hoạch rõ ràng nhằm xử lý nợ xấu, vì vấn đề này sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.
Mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, và các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng.
Ông Sidgwick khuyến nghị: “Để bảo đảm nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng”.
Ý kiến ()