ADB: COVID-19 đe dọa mục tiêu phát triển của châu Á-Thái Bình Dương
ADB ước tính tỷ lệ người nghèo cùng cực ở châu Á – những người có mức sống chưa tới 1,9 USD/ngày, đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% trong năm 2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: downtoearth.org.in)
Ngày 24/8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 80 triệu người ở khu vực châu Á đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực vào năm ngoái, đe dọa làm chệch hướng tiến độ đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói vào năm 2030.
Trong báo cáo quan trọng về khu vực, ADB ước tính tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực châu Á – những người có mức sống chưa tới 1,9 USD/ngày, đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% trong năm 2020, khi chưa bùng phát dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch này gây ra có thể đã khiến tỷ lệ người nghèo theo ước tính tăng khoảng 2% trong năm ngoái. Con số này thậm chí có thể cao hơn nếu xét đến tình trạng bất bình đẳng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và gián đoạn công việc vốn đã gia tăng do đại dịch COVID-19.
ADB nhận định: “Do những tác động kinh tế-xã hội từ các biện pháp đối phó với dịch bệnh vẫn chưa được dỡ bỏ, người dân đang phải vật lộn để kiếm sống và có nguy cơ rơi vào đói nghèo.”
Trong số các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương được báo cáo, bao gồm 46 nền kinh tế đang phát triển và ba nền kinh tế phát triển là thành viên của ADB, chỉ có khoảng 25% trong số đó ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, khu vực này đã mất khoảng 8% số giờ làm việc, ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo và người lao động làm việc trong lĩnh vực phi chí chính thức.
Nhà kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada đánh giá: “Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng dịch COVID-19 đã bộc lộ sự đứt gãy về xã hội và kinh tế có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực.”
Những tổn thất về kinh tế do đại dịch gây ra càng khiến nỗ lực đáp ứng các mục tiêu phát triển toàn cầu được Liên hợp quốc thông qua cách đây khoảng sáu năm trở nên khó khăn.
Hồi năm 2015, các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030, qua đó đề ra một kế hoạch chi tiết đầy tham vọng gồm hàng loạt các nhiệm vụ từ chấm dứt nạn đói và bất bình đẳng giới đến mở rộng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế./.
Ý kiến ()