A-rập Xê-út hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm AI toàn cầu
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, A-rập Xê-út đã công bố chiến lược quốc gia để biến nước này thành nước sở hữu cơ sở dữ liệu và AI tốt nhất, là trung tâm dữ liệu và AI toàn cầu.
A-rập Xê-út được xếp hạng đứng đầu các nước A-rập và đứng thứ 22 trên thế giới về Chỉ số AI toàn cầu, theo báo cáo của Tortoise Intelligence – chỉ số toàn cầu đầu tiên đánh giá các quốc gia về mức độ đầu tư, đổi mới và triển khai AI. Báo cáo này cũng cho thấy, A-rập Xê-út đứng thứ hai trên thế giới trong hạng mục “chiến lược chính phủ”, đứng thứ chín về tiêu chuẩn “môi trường hoạt động” và thứ 12 trong bảng xếp hạng “nghiên cứu”. Nước này chiếm vị trí thứ 22 về cơ sở hạ tầng và được xếp hạng thứ 46 trong các hạng mục “tài năng” và “thương mại”.
Trong bối cảnh AI giúp con người chăm sóc sức khỏe tốt hơn, xây dựng các thành phố thông minh hơn cũng như đường sá an toàn hơn, A-rập Xê-út thông báo sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD vào các dự án trí tuệ nhân tạo trong 10 năm tới. Quốc gia giàu dầu mỏ này cũng đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để tránh phụ thuộc nguồn thu dầu mỏ khi giá dầu thô bị giảm. Ri-i-át mong muốn AI sẽ là một phần của nền kinh tế thông qua các dự án khởi nghiệp và các công ty sáng tạo, đồng thời coi đây là nguồn tiết kiệm và thu nhập bổ sung. Cổ phiếu sẽ được mở bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong bối cảnh A-rập Xê-út đang hướng tới xây dựng hơn 300 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI vào năm 2030.
Trong nỗ lực thúc đẩy mục tiêu về AI, “Chiến lược quốc gia về Dữ liệu và AI” của A-rập Xê-út được đưa ra nhằm đặt ra nền tảng và phương hướng, mà theo đó A-rập Xê-út sẽ giải phóng tiềm năng của dữ liệu và AI, thực hiện những ưu tiên chuyển đổi quốc gia. Theo Chủ tịch Cơ quan Dữ liệu và AI của A-rập Xê-út (SDAIA) A.Gam-đi, nền kinh tế lớn nhất khu vực A-rập này sẽ đầu tư 20 tỷ USD từ nay đến năm 2030 cho lĩnh vực AI. SDAIA mới đây ký một thỏa thuận với công ty máy tính đa quốc gia Mỹ Dell Technologies, nhằm phối hợp chuyên môn trong các công nghệ mới nổi để đẩy nhanh việc sử dụng AI ở vương quốc dầu mỏ. SDAIA sẽ được cung cấp các dịch vụ tư vấn để giúp họ tận dụng các giải pháp trong AI, đám mây, phân tích dữ liệu và lưu trữ doanh nghiệp, như một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở A-rập Xê-út.
Đặt mục tiêu lọt tốp 15 quốc gia hàng đầu về công nghệ AI, A-rập Xê-út cho biết sẽ thúc đẩy việc đào tạo 20.000 chuyên gia về dữ liệu và AI, đồng thời tạo lập hơn 300 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này từ nay tới năm 2030. Hiện các công ty khởi nghiệp tại A-rập Xê-út, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã chứng minh khả năng trụ vững trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, khi nhận được nguồn vốn đầu tư tăng mạnh trong những tháng gần đây. Báo cáo của hãng thống kê MAGNiTT chuyên theo dõi các công ty khởi nghiệp tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi cho thấy, các công ty khởi nghiệp của A-rập Xê-út đã thu hút được khoản đầu tư kỷ lục 95 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6-2020, tăng tới 102% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước và cao hơn đáng kể so với phần còn lại của khu vực. Trong khi tại 17 quốc gia trong khu vực ghi nhận tổng mức tăng 35% nguồn vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng tương ứng của A-rập Xê-út là 102%. Mặc dù toàn bộ khu vực Trung Đông – Bắc Phi chứng kiến số thương vụ khởi nghiệp giảm 8% giai đoạn từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, song A-rập Xê-út lại đi ngược xu hướng này với số thương vụ tăng 29%. Đáng chú ý, số vốn đầu tư và số thương vụ khởi nghiệp tăng tại nước này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh bùng phát mạnh, ảnh hưởng đáng kể tới dòng tiền mặt và doanh thu của nhiều công ty. Các công ty khởi nghiệp về công nghệ và thương mại điện tử chính là hai “điểm sáng” của khu vực khởi nghiệp, khi các doanh nghiệp này biết tận dụng lợi thế dịch vụ của mình để giúp cuộc sống người dân trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Điều đó cũng chứng tỏ vai trò quan trọng và tiềm năng của lĩnh vực công nghệ nói chung, ứng dụng AI nói riêng, ở A-rập Xê-út.
Ý kiến ()