97 tác phẩm đoạt giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”
Sáng ngày 10/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 11 năm 2013 - 2014. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham dự buổi lễ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao giải A cho các tác giả đoạt giải. (Ảnh: TA) |
Báo cáo tổng kết giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 11 năm 2013 – 2014, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho biết, s au 11 lần tổ chức, Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” ngày càng được các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam ở Trung ương và địa phương cùng đông đảo các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước tích cực hưởng ứng.
Nếu như những năm đầu tổ chức số lượng tác phẩm dự giải và số lượng cơ quan báo chí tham dự không có đột biến lớn: lần thứ nhất năm 2003, Ban Tổ chức nhận được 320 tác phẩm báo chí dự thi của 61 cơ quan thông tấn, báo chí toàn quốc; lần thứ hai năm 2004, được 302 tác phẩm của 63 cơ quan báo chí;…. thì những năm gần đây số lượng tác phẩm tham gia Giải tăng lên rõ rệt. Năm 2010 có 782 tác phẩm của 131 cơ quan báo chí tham gia; năm 2012 có 952 tác phẩm của 151 cơ quan thông tấn, báo chí tham gia. Đặc biệt, giải lần thứ 11 năm 2013 – 2014 đã nhận được hơn 1.100 tác phẩm của 175 cơ quan báo chí tham dự giải. Điều đó đã khẳng định sức lan tỏa của Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” và ảnh hưởng xã hội của Giải ngày càng rộng lớn, được cán bộ và nhân dân ghi nhận.
Đáng chú ý, các tác phẩm tham dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 11, năm 2013 – 2014 có nội dung tốt, bám sát chủ đề của Thể lệ Giải và yêu cầu của Ban tổ chức. Nhiều tác phẩm phản ánh sinh động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong các lực lượng xã hội, các giới đồng bào, các thành phần kinh tế. Nhiều tác phẩm thể hiện khá tốt những thành quả của công cuộc đổi mới, xoá đói giảm nghèo, tinh thần tương thân tương ái, nhân đạo, từ thiện giúp nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới; những gương sáng trong hoạt động xã hội, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đặc biệt, cả báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo hình và ảnh báo chí đều có nhiều tác phẩm phản ánh về đề tài bảo vệ an ninh biên giới và khẳng định chủ quyền lãnh thổ biển – đảo quốc gia… về sự mưu trí, dũng cảm của các lực lượng chấp pháp và ngư dân của chúng ta trên biển Đông trong việc đấu tranh với những hành động sai trái của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hộ tống khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền về những tình cảm, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ các biện pháp đấu tranh hợp tình, hợp lý của Việt Nam, nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chúc mừng 97 tác phẩm của các tác giả và nhóm tác giả đã đoạt giải. Đồng thời nhấn mạnh, sau 11 năm phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, đến nay số lượng tác phẩm dự thi và số lượng cơ quan báo chí tham gia đã tăng gấp 3 lần. Điều đó nói lên sự quan tâm của báo chí cả nước với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sự quyết tâm của báo chí cùng với Đảng, Nhà nước, MTTQ thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ôn lại truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân giá cao sự tham gia của các nhà báo ở giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, thông qua hoạt động của các nhà báo làm cho mỗi người dân ở mọi miền đất nước luôn nhớ đến sức mạnh đặc biệt trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, vẫn nguồn lực như vậy, cùng đoàn kết lại, có tổ chức, cùng hướng về một mục tiêu, cùng hành động cùng một thời điểm, mỗi người theo khả năng của mình, mỗi người bằng phương thức của mình tạo nên sức mạnh vượt qua thách thức mới. Bài học lịch sử đó vẫn phải được nhắc lại, nhắc lại qua tuyền truyền, nhắc lại qua phản ánh thực tiễn và được nhân lên qua báo chí. Báo chí đã góp phần khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh trao giải B cho các tác giả. |
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 97 giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất tham gia cuộc thi. Cụ thể, Ban Tổ chức trao 4 giải A trị giá mỗi giải 15 triệu đồng cho 4 tác phẩm: “Hiệu quả mô hình đưa trí thức về cơ sở” nhóm tác giả Song Linh, Mạnh Dương, Báo Nhân dân; “Giải bài toán nông dân bỏ ruộng” cho nhóm tác giả Đặng Kim Thanh, Vũ Thị Hạnh, Trần Xuân Thân, Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam; “Dưới mái nhà chung” nhóm tác giả Lê Đông, Hoài Minh, Quốc Dũng, Đài Truyền hình Việt Nam và “Màu xanh trên đỉnh A Mú Sung” tác giả Nguyễn Minh Trường, Báo Quân đội nhân dân; 18 giải B trị giá mỗi giải 10 triệu đồng, trong đó có tác phẩm “Phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam” của tác giả Thu Hà, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 giải C trị giá mỗi giải 5 triệu đồng và 40 giải khuyến khích trị giá mỗi giải 3 triệu đồng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()