96 người chết do tai nạn giao thông trong năm ngày nghỉ lễ
Hiện trường vụ tai nạn tại hầm Kim Liên, ngày 1-5, làm hai người tử vong.
Trong đó, đường bộ xảy ra 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người; đường sắt xảy ra hai vụ, làm chết hai người; đường thủy nội địa và hàng hải không xảy ra tai nạn giao thông .Không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Riêng trong ngày 1-5, cả nước xảy ra 26 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 17 người (đều là TNGT đường bộ). Tại Hà Nội xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng vào 0 giờ 10 phút, ngày 1-5, xe ô-tô BKS 30F -154.78 đi trên đường hầm Kim Liên hướng Đại Cồ Việt đến khu vực cột đèn KL3/2 xảy ra va chạm với xe máy không có biển kiểm soát trên xe có hai người, ô-tô tiếp tục bỏ chạy tới ngã ba Đại Cổ Việt -Tạ Quang Bửu thì bị tổ Y4, 141 giữ lại. Hậu quả, vụ tai nạn đã làm hai người đi xe máy tử vong. Tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được của lái xe ô-tô là 0,751mg/1L khí thở, vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận. Trước đó ngày 22-4, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do lái xe ô-tô vi phạm nghiêm trọng nồng độ cồn khiến một nữ công nhân môi trường tử vong.
Trong năm ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ cả nước xử lý 11.968 trường hợp vi phạm, phạt tiền 15,262 tỷ đồng; tạm giữ 138 ô-tô, 2.288 mô-tô và 2.274 giấy tờ các loại. Trong lĩnh vực đường thủy: xử lý 2.342 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền 984 triệu đồng.
Đặc biệt, thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, lực lượng CSGT liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều xe khách nhồi nhét khách trên các tuyến đường như: xe khách BKS 36B 002.22 tuyến Hà Nội –Nghi Sơn (Thanh Hóa) chở quá quy định 19 người, bị xử phạt 15 triệu đồng; xe khách 43 chỗ BKS 21B 006.43 tuyến Mỹ Đình – Nghĩa Lộ (Yên Bái) chở quá quy định 31 người bị xử phạt 40 triệu đồng; xe khách 42 chỗ BKS 37B 005.35 chở quá quy định 15 người bị xử phạt 20 triệu đồng,…
Nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông trong năm ngày nghỉ lễ là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là: lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường; chở quá số người quy định; chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị, đặc biệt là hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng cũng là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Về ùn tắc giao thông, trong năm ngày nghỉ lễ, xảy ra một số vụ ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực cửa ngõ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ. Tình trạng ùn ứ xảy ra tại các tuyến đường chung quanh các khu du lịch, thành phố du lịch, tại một số trạm thu phí, nút giao lớn trên đường cao tốc và quốc lộ, trên các trục đường chính ra, vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do nhu cầu giao thông tăng cao, số lượng ô-tô tham gia giao thông tập trung cao, đặc biệt khi xảy ra sự cố phương tiện hoặc tai nạn giao thông.
Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng xe khách chở quá số người quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ, nhất là các tuyến Hà Nội -Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái… tăng giá vé ô-tô quá mức quy định ở một số nhà xe; hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ô-tô chở khách cao, đặc biệt là trên quốc lộ 1; nhu cầu đi lại bằng xe chở khách hợp đồng tăng cao tại khu vực nông thôn, trong khi chất lượng phương tiện và người lái còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
* Chiều 1-5, Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng CSGT Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, TP Đà Lạt đã cho xây dựng, triển khai phương án phân luồng từ xa, cắt cử lực lượng cắm chốt điều tiết giao thông hợp lý nên tình trạng kẹt xe giảm đáng kể.
Lực lượng CSGT tổ chức điều tiết giao thông tại các nút giao thông quan trọng.
Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài năm ngày, với tiết trời dễ chịu, không gian khoáng đạt, nhiều điểm du lịch hấp dẫn, cùng những vườn rau, hoa công nghệ cao… phố núi Đà Lạt hấp dẫn du khách thập phương đổ về nghỉ lễ và trải nghiệm. Theo ghi nhận, dịp lễ năm nay, tại các nút giao thông quan trọng, như cửa ngõ vào trung tâm Đà Lạt – đường Ba Tháng Tư, vườn hoa thành phố, đường vòng quanh hồ Xuân Hương và nhiều điểm du lịch tại Đà Lạt… dòng xe lưu thông khá thuận lợi. Tình trạng ùn tắc cục bộ thường xảy ra vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối chiều, khi du khách bắt đầu di chuyển đến các điểm tham quan và thời điểm quay về điểm lưu trú.
Nhiều người dân Đà Lạt có chung cảm nhận, dịp lễ 30-4 năm nay, Đà Lạt xử lý khá tốt tình trạng kẹt xe kéo dài. Bà Nguyễn Thị Thu, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cùng gia đình đi du lịch Đà Lạt vào dịp lễ năm nay cho biết: “Năm nay, chuyến du lịch của gia đình mình tại xứ sở ngàn hoa thú vị hơn, vì giao thông đi lại khá thông suốt, đỡ mất thời gian di chuyển. Nói chung, mùa lễ thì tình trạng ùn ứ cục bộ cũng khó tránh, nhưng cảm nhận chung là năm nay Đà Lạt xử lý giao thông khá tốt”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()