92% số dân nông thôn Bình Thuận sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh
Bình Thuận là tỉnh có nguồn nước ngầm rất khan hiếm, phân bố không đồng đều và thường xuyên xảy ra hạn hán. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường diễn ra, nhất là vào mùa khô.
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn đầu tư vào các công trình thủy lợi và công trình cấp nước, đến nay, Bình Thuận đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng nông thôn, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt, cung cấp nước hợp vệ sinh cho 92% số dân nông thôn toàn tỉnh, trong đó 45% được sử dụng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý là với chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, các địa phương đã xây dựng được 39 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao tại 14 xã thuần và 24 thôn xen ghép, đến nay có khoảng 92% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Trong đó, có 65% hộ được sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch từ các hệ thống nước đã được đầu tư và được hỗ trợ kinh phí lắp đặt thủy kế đến tận nhà. Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của người dân nông thôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thường xuyên theo dõi kết quả xét nghiệm nguồn nước. Hàng tháng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện kiểm tra chất lượng nước. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các hệ thống hiện có để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong mùa khô. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để bà con sử dụng nước sạch trong sinh hoạt như: các xã, thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được hưởng chính sách hỗ trợ giá nước sinh hoạt ưu đãi, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thủy kế tận nhà… Tại thôn Bình An và Bình Lâm xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc), hơn 200 hộ dân đang rất phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt được dẫn từ nhà máy nước của huyện về tận nhà. Anh Lê Văn Sô, thôn Bình An cho biết: Ngày trước, gia đình phải sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào công cộng. Vào mùa mưa thì dùng nước mưa, còn vào mùa khô nước ở các giếng gần như đều cạn, nên phải đi xách từng can nước hoặc mua nước với giá cao. Kể từ ngày có nước sạch từ nhà máy nước của huyện, gia đình tôi phấn khởi lắm, ăn uống, sinh hoạt 100% là nước sạch, từ giờ không lo mắc bệnh truyền nhiễm và thiếu nước nữa. Ông Lý Hữu Phước – Giám đốc Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết: Vùng nông thôn khó khăn, đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách và vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Trung tâm ưu tiên cấp nước và đầu tư hàng đầu nhằm góp phần chuyển biến đời sống người dân theo hướng văn minh, giúp người dân từ bỏ dần thói quen sinh hoạt, tập quán dùng nguồn nước sông, suối chưa hợp vệ sinh. Trước mắt trung tâm đang tập trung đầu tư vào các công trình cấp nước ở 1 xã thuần và 8 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số còn lại để có thể nhanh chóng cung cấp nước sạch cho bà con. Với việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân vùng nông thôn, Bình Thuận phấn đấu đến cuối năm 2014, tổng số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 93,5%, trong đó 46% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn. Và đến năm 2015, có trên 95% số dân sống ở nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()