92 năm thành lập Đảng: Xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh
Không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cấp cao đã thoái hóa, biến chất, bị lợi ích tiền tài làm mờ mắt, đã “tranh tối tranh sáng” đi vào con đường sa ngã.
“Dân là gốc” là tư tưởng, phương châm hành động xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt 92 năm qua.
Xuất phát từ lý tưởng cách mạng đó, những người cộng sản chân chính hướng tới lợi ích của nhân dân, lấy nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu lâu dài và cuối cùng.
Chính điều này đã nhận được sự tin yêu, gắn bó mật thiết của nhân dân và trở thành nhân tố quyết định quy tụ sức mạnh toàn dân tộc đưa đất nước băng qua những gập ghềnh, gian nan nhất trong hàng nghìn năm lịch sử.
92 năm qua, đặc biệt là từ năm 1945 trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Đất nước không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thế và lực ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Nhưng bên cạnh những thành tựu to lớn đã nảy sinh không ít tồn tại, hạn chế.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” quên lời thề trước cờ Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng và thiếu phục tùng kỷ luật, thiếu sự tu dưỡng rèn luyện, giữ gìn đạo đức, phẩm cách.
“Dân là gốc” không còn là mục tiêu hướng tới của những cán bộ, đảng viên này. Vai trò của nhân dân, sự lắng nghe ý kiến nhân dân, niềm tin vào nhân dân không được họ coi trọng.
Thay vào đó là sự xa lánh nhân dân, duy ý chí, quan liêu, giáo điều, “nói không đi đôi với làm,” hách dịch, độc đoán, lạm quyền.
Đáng lo ngại hơn, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nhưng thoái hóa, biến chất, bị lợi ích tiền tài làm mờ mắt, đã “tranh tối tranh sáng” đi vào con đường sa ngã.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) đã nêu ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất là khắc phục tình trạng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng.”
Nhức nhối đó có thể thấy trong những vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị bị đưa ra xét xử thời gian qua, như vụ “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone; vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, liên quan đến thửa đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng…
Phẫn nộ hơn, hai năm qua, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19, “gồng mình” trước những thiệt hại bởi tác động của đại dịch, dồn mọi nguồn lực bảo vệ tính mạng nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thì lại có những đối tượng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên trục lợi trước đại dịch.
Như trong vụ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, thật vô lương tâm khi có những kẻ cấu kết với nhau, lợi dụng dịch bệnh “móc túi” dân bằng thủ đoạn đẩy giá bán thiết bị y tế với mức cắt cổ, kiếm lợi từ sự đau khổ của đồng bào.
Hay như mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Trong vụ án này, Cơ quan Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với 4 bị can là cán bộ của Bộ Ngoại giao, trong đó có Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Cần nhắc lại, trong lịch sử 92 năm rèn luyện, phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, bên cạnh việc nêu cao tư tưởng, phương châm hành động xuyên suốt “lấy dân làm gốc” thì Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu “then chốt của mọi then chốt.”
Công tác xây dựng Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục và lần lượt trên cả hai mặt “xây” và “chống,” trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách.
Hai nhiệm vụ này luôn song hành, kết hợp nhuần nhuyễn nhằm làm trong sạch đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Chính vì vậy, việc thải loại những cán bộ đảng viên sa ngã, đi ngược lại lý tưởng cộng sản là hết sức cần thiết và cấp bách.
Bởi không chỉ cho thấy tính nghiêm túc thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền luôn được nêu cao, việc kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, có hành vi sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao, càng góp phần nâng cao uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Việc xử lý những “mảnh vỡ” trong đội ngũ còn là sự khẳng định, lợi ích của nhân dân, nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân vẫn là mục tiêu lâu dài và cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta.
“Dân là gốc” vẫn là tư tưởng, phương châm hành động xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự tổn thất về lực lượng dù đau xót nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.”
“Lò” chống tham nhũng đã được nhóm lên và luôn rực nóng với niềm tin “Chống tham nhũng đến cùng, không bỏ dở giữa chừng.”
Quyết tâm chấn chỉnh bộ máy đã thể hiện trong những hành động quyết liệt thời gian qua khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm một loạt cán bộ cấp cao, trong đó có những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang do có vi phạm, khuyết điểm.
Cơ quan chức năng vừa qua cũng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Hành động quyết liệt đó của Đảng, Nhà nước đã và đang nhận được sự đồng tình nhất trí của cả xã hội, sự ủng hộ rất lớn của nhân dân./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()